An Giang phát triển hạ tầng du lịch để thu hút, "giữ chân" du khách

05/07/2021 - 04:54

 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định: “Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đồng thời, xác định khâu đột phá: đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch (DL)”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình hành động 300/CTr-UBND về phát triển hạ tầng DL tỉnh (giai đoạn 2021-2025).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, để ngành DL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài tiềm năng, điều kiện sẵn có, cần phải xây dựng một hệ thống hạ tầng phục vụ DL hoàn chỉnh, gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông và hạ tầng dịch vụ... Do đó, việc ban hành chương trình hành động về phát triển hạ tầng DL với hệ thống giải pháp phát triển đồng bộ là cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hiện nay và giai đoạn tiếp theo.

Những năm tới, An Giang tiếp tục xác định DL là động lực cho phát triển kinh tế. Đồng thời, xác định khâu đột phá, gồm: đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và DL. Phát triển mạnh mẽ thế mạnh về thương mại, dịch vụ và DL. Phát triển đồng bộ các loại hình DL tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng. Đa dạng hóa các sản phẩm DL, khuyến khích những loại hình văn hóa, giải trí về đêm… nhằm thu hút, "giữ chân" du khách. Xây dựng hạ tầng DL phù hợp với quy hoạch tỉnh, có chiến lược, trọng tâm, trọng điểm. Phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, di tích văn hóa, lịch sử để tạo sự khác biệt của ngành DL; phát triển ngành DL tỉnh theo hướng “DL văn hóa tâm linh” trọng điểm của cả nước.

An Giang phát huy lợi thế du lịch tâm linh

Phát triển DL gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Việc đầu tư phát triển hạ tầng DL vừa đảm bảo khai thác lợi thế vùng giáp biên, vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biên giới. Đổi mới mạnh mẽ phương thức kêu gọi đầu tư trong phát triển hạ tầng DL; trong đó chú trọng áp dụng hình thức xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng DL.

Mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là “giữ chân" du khách, phấn đấu đón 42 triệu lượt khách trong 5 năm. Riêng năm 2025, lượng khách đến An Giang ước đạt 10 triệu lượt, trong đó khách lưu trú chiếm 30%. Giai đoạn 2021-2025, ngành DL An Giang dự kiến thu 27.800 tỷ đồng. Riêng năm 2025, tổng doanh thu từ DL đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. Đến 2025, có thêm ít nhất 1 khu DL văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu DL trọng điểm cũng như ở đô thị TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc.

Khu du lịch rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên). Ảnh: THANH HÙNG

Để thực hiện đạt các mục tiêu này, ngành DL tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, như: tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông (đường bộ và đường thủy), đảm bảo các tuyến đường đến các khu, điểm DL trọng điểm của tỉnh được thông thoáng; đảm bảo các khu DL đều đầu tư xây dựng bãi đỗ xe theo quy định; ưu tiên đầu tư xây dựng cầu tàu, hệ thống thuyền DL phục vụ du khách tham quan các tour đường thủy, tuyến vùng cù lao. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà hàng, khách sạn (đạt chuẩn từ 4 sao trở lên), trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, khu vui chơi, giải trí tại các trung tâm, thành phố lớn của tỉnh.

Đầu tư, nâng cấp chỉnh trang đô thị, tôn tạo cảnh quan, xây dựng hình ảnh môi trường xanh - sạch - đẹp tại TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc; phát huy cảnh quan tự nhiên sông nước tại TP. Long Xuyên, nâng cấp xây dựng công viên văn minh, hiện đại, sạch, đẹp, thu hút du khách đến tham quan. Nâng cấp, tu bổ, bảo tồn các công trình văn hóa tiêu biểu, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia, như: nhà thờ, tiểu thánh đường, chùa Khmer, các đình, chùa, trước hết phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, sau là để phục vụ khai thác DL văn hóa, DL tâm linh. Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại trong phát triển DL, hướng đến thực hiện chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang… Xây dựng nguồn nhân lực phục vụ DL chất lượng cao, có kỹ năng nghề, có trình độ ngoại ngữ để đáp ứng mục tiêu phát triển DL An Giang là ngành kinh tế trọng điểm.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư tại các khu, điểm DL được quy hoạch của tỉnh, chủ yếu tập trung vào 4 khu trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng, gồm: khu DL quốc gia núi Sam - miếu Bà Chúa Xứ (TP. Châu Đốc), khu DL núi Cấm - rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên), khu DL Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba (TP. Long Xuyên) và khu di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn). Khai thác đặc trưng riêng của từng địa phương, hình thành “một địa phương một điểm đến”…

Cùng với đa dạng hóa các sản phẩm DL, tỉnh sẽ tập trung khai thác các sản phẩm DL có tiềm năng phát triển, như: DL gắn với hoạt động nông nghiệp, DL đường sông, sinh thái gắn với cộng đồng, DL thể thao, giải trí về đêm… để thu hút và "giữ chân" du khách.

THU THẢO