An Giang: Phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng

30/07/2024 - 06:10

 - Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp (DN) và Nhân dân trong tỉnh, KTXH An Giang có nhiều khởi sắc, tăng trưởng vững chắc qua từng năm.

Kinh tế tăng trưởng tích cực

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, DN và Nhân dân, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, KTXH, quốc phòng - an ninh của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Ước tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2023 đạt mức 5,08%.

Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh An Giang trong phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, vẫn đặt ra áp lực vô cùng lớn để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ XI đề ra, đó là tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6,5 - 7%.

Cầu Châu Đốc nối nhịp bờ vui

Cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ngày càng giảm, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ tăng dần qua các năm). GRDP bình quân đầu người tăng qua các năm, năm 2021 đạt trên 48,9 triệu đồng/người/năm, năm 2022 đạt trên 53,9 triệu đồng/người/năm, năm 2023 đạt 60,55 triệu đồng/người/năm.

Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 đạt 22.055 tỷ đồng (đạt 112% dự toán và đạt 53% chỉ tiêu nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025). Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 46.942 tỷ đồng, đạt 94% dự toán giao. Trong 3 năm 2021 - 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 98.168 tỷ đồng (đạt 60% so nghị quyết), kim ngạch xuất khẩu đạt 3.470,6 tỷ USD (đạt 66% nghị quyết).

Thương mại - dịch vụ phát triển sôi động

6 tháng đầu năm 2024, KTXH An Giang có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó kinh tế tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhu cầu đi lại, hoạt động văn hóa - xã hội nhộn nhịp, sôi động. Nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội được tổ chức, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân được quan tâm, thực hiện hiệu quả.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,6% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,5%), các khu vực kinh tế đều tăng trưởng (đứng thứ 5/13 các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL và đứng thứ 27/63 trong cả nước). Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định.

Sản xuất công nghiệp - xây dựng phục hồi và phát triển khá tốt. Thương mại - dịch vụ và du lịch ổn định và tiếp tục phát triển; đón khoảng 7 triệu lượt khách tham quan (tăng 16% so cùng kỳ), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 105% so cùng kỳ… Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 40,71% kế hoạch vốn giao đầu năm (tương đương 3.287 tỷ đồng).

Những dấu ấn nổi bật

Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, làm cơ sở pháp lý và định hướng phát triển An Giang tầm nhìn đến năm 2050. Về phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh đã khởi công tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và đề xuất dự án tuyến nối từ điểm đầu cao tốc đến Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Cửa khẩu Khánh Bình.

Đồng thời, xây dựng và khánh thành tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 941, 943, 955B, 946, 948, 949… và hàng trăm cầu, đường giao thông nông thôn, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển KTXH của tỉnh.

Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội được đầu tư xây dựng, như: Bệnh viện Sản - Nhi An Giang, Nhà hát tỉnh An Giang, Trung tâm Hội nghị TP. Châu Đốc, Bệnh viện Y học cổ truyền…

Về phát triển công nghiệp, xây dựng đô thị, đã khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô lớn nhất Châu Á và Nhà máy công nghệ may mặc Spectre của Đan Mạch, quy mô 11 triệu USD; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vàm Cống, quy mô 193,3ha; công bố thành lập TX. Tịnh Biên.

Về phát triển nông nghiệp, An Giang tiếp tục giữ vững sản xuất 4 triệu tấn lúa mỗi năm, tăng dần tỷ lệ giống lúa chất lượng cao; phát triển 88 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao trở lên; có 76/110 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 69,1%...

Đạt được những nét nổi bật trên là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và thực hiện đúng lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm Đảng bộ tỉnh An Giang “đã nói là làm, đã bàn là thông”.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phát huy những kết quả đạt được, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn; quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội đề ra, nhất là thực hiện 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên từng lĩnh vực.

THU THẢO