An Giang phát triển liên kết sản xuất chuỗi ngành hàng thủy sản

30/06/2022 - 03:33

 - Thời gian qua, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững đã giúp gia tăng chất lượng và giá trị, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh khảo sát quy trình nuôi ương giống cá tra

Cơ sở nuôi cá tra theo chuỗi liên kết

An Giang là tỉnh đi đầu trong việc phát triển công nghệ mới, mô hình nuôi và sản xuất giống theo hướng chất lượng và hiệu quả cao, đặc biệt trên các đối tượng, như: Cá tra, cá basa, tôm càng xanh, lươn đồng và một số thủy sản khác. Toàn tỉnh hiện có hơn 6.200 cơ sở nuôi thủy sản các loại, với diện tích mặt nước đang nuôi hơn 2.000ha và gần 4.400 lồng bè. Sản lượng thu hoạch trên 500.000 tấn/năm. Trong đó, cá tra là đối tượng nuôi chủ lực chiếm 85% diện tích nuôi thủy sản của tỉnh, với tổng diện tích mặt nước nuôi cá tra thương phẩm toàn tỉnh là 1.235ha. Có 337 cơ sở nuôi, 354 vùng nuôi, sản lượng ước đạt 450.000 - 500.000 tấn/năm. Có 11 cơ sở sản xuất giống cá tra bột và 731 cơ sở ương dưỡng với diện tích 536ha; năng lực sản xuất khoảng 12-15 tỷ cá bột và 2-3 tỷ con giống/năm.

Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững đã giúp gia tăng chất lượng và giá trị, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nuôi. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút, mời gọi đầu tư, hỗ trợ tạo quỹ đất cho doanh nghiệp (DN) đầu tư tại An Giang. Tạo thuận lợi để các DN trong và ngoài tỉnh xây dựng vùng nuôi với quy mô lớn, đảm bảo các điều kiện về môi trường, nuôi theo hướng công nghệ cao phù hợp với định hướng phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao của tỉnh.

Hiện, trên địa bàn tỉnh An Giang có 862ha nuôi cá tra thương phẩm của DN (chiếm 70%), 208ha cơ sở nuôi liên kết với DN (chiếm 17%). Sản lượng tiêu thụ ước đạt 420.000 tấn/năm, tập trung tại các địa phương, như: Huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên. Đối với 13% diện tích chưa liên kết, trong thời gian tới, theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tổ chức liên kết các hộ nuôi nhỏ lẻ tham gia tổ hợp tác và hợp tác xã để tạo đối trọng đủ khả năng liên kết với DN đảm bảo lượng cá tra của người dân được tiêu thụ ổn định.

Ngoài ra, để đáp ứng nguồn giống chất lượng cao cho người nuôi trong tỉnh và các tỉnh ĐBSCL từ đề xuất của tỉnh An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định 987/QĐ-BNN-TCTS về việc phê duyệt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Từ đó, An Giang đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất giống. Hàng năm, chuỗi sản xuất cung cấp khoảng 4,5-5 tỷ cá tra bột và khoảng 500-600 triệu cá tra giống cung ứng cho các vùng nuôi trong và ngoài tỉnh.

Trong thời gian triển khai chương trình giống cá tra 3 cấp, bước đầu An Giang đã đạt được một số kết quả nhất định. Đến nay, tỉnh đã cơ bản xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất giống theo đề án, đáp ứng nhu cầu của các DN trong tỉnh, như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần XNK thủy sản Cửu Long; một số DN ngoài tỉnh, như: Công ty Biển Đông, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn... và một số trang trại nuôi lớn ở tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, TP. Cần Thơ.

Từ năm 2017 đến nay, các cơ sở sản xuất cá tra bột của tỉnh đã tiếp nhận 12.320 con cá tra bố mẹ hậu bị và sinh sản có chất lượng tốt từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II để bổ sung thay thế cho đàn cá tra bố mẹ của cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cá tra bột sản xuất cung cấp cho các chuỗi liên kết cá tra 3 cấp của tỉnh. Bên cạnh, các cơ sở sản xuất giống cá tra và các chuỗi liên kết còn được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, các văn bản pháp luật mới... góp phần nâng cao nhận thức và tay nghề cho các hộ nuôi thủy sản và ương giống trong chuỗi liên kết.

Tỉnh đã mời gọi được 4 DN, như: Tập đoàn Việt Úc, Công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú, Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đầu tư các vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao tham gia Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, với tổng diện tích 452,3ha, với năng lực sản xuất hàng năm hơn 1,8 tỷ con giống và 1,6 tỷ con cá hương, góp phần gắn kết, cung cấp cá giống chất lượng cao trong và ngoài tỉnh.

Nhằm định hướng phát triển cho ngành hàng thủy sản An Giang, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2495/QĐ-UBND, ngày 28/10/2021 ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, hướng đến sản xuất theo chiều sâu, gia tăng giá trị theo chuỗi, chuyển đổi số, tăng quy mô nông hộ, mở rộng vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ cao, công nghệ thông minh trong sản xuất. Mở rộng các vùng chuyên canh trên tất cả địa bàn trong tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện thu hút, ưu đãi mời gọi các DN đầu tư các dự án vùng sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm gắn phát triển liên kết chuỗi, tái cơ cấu ngành hàng thủy sản hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác liên kết chuỗi sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người nuôi liên kết DN chế biến hợp thành chuỗi liên kết bền vững. Diện tích vùng chuyên canh nuôi cá tra áp dụng nuôi theo các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế. Sử dụng nguồn giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, cơ sở, DN nuôi cá tra thực hiện đăng ký cấp mã số ao nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm cá tra chế biến xuất khẩu. Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ từ sản xuất giống đến tiêu thụ xuất khẩu...

TRỌNG TÍN

 

Liên kết hữu ích