An Giang phát triển nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn

16/03/2023 - 05:41

 - Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Những năm qua, tỉnh An Giang tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và du lịch (DL).

Tập trung nâng chất

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, thực hiện Chương trình hành động 09-CTr/TU, ngày 5/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch 518/KH-UBND, ngày 17/8/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025 (giai đoạn 2).

Hai năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTXH của tỉnh bước đầu đạt một số kết quả thiết thực, số lượng, chất lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Với nỗ lực trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các sở, ngành, địa phương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 22.064 người (đạt 34% kế hoạch giai đoạn 2). Về nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì triển khai nội dung xây dựng và phát triển “nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao”), tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với số lượng 9.809 người, chiếm 44,46% so tổng số nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng trên cả 3 lĩnh vực: Nguồn nhân lực công, nhân lực xã hội và các hoạt động khác.

Về nhân lực phục vụ phát triển DL, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang (cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì triển khai nội dung xây dựng và phát triển “nhân lực phục vụ phát triển DL”), tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển DL với số lượng 1.755 người, chiếm 7,95% so tổng số nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng. Cử nhiều lượt cán bộ, nhân viên tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý, tư vấn chính sách, xây dựng quy hoạch phục vụ phát triển DL.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước, phát triển kinh tế DL, DL thông minh, DL nông nghiệp… Tập huấn kỹ năng giao tiếp ứng xử phù hợp từng sự kiện, đối tượng nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức DL…

Chăm lo thế hệ tương lai của quê hương An Giang. Ảnh: THU THẢO

Để phát triển nhân lực nguồn trong học sinh phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhân lực nguồn với số lượng 10.500 người, chiếm 47,59% so tổng số nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, tổ chức dạy học tăng cường kỹ năng nghe - nói tiếng Anh cho học sinh 2 trường THPT chuyên và 11 trường THPT trọng điểm trong tỉnh. Tổ chức 154 lớp dạy học tăng cường kỹ năng nghe - nói tiếng Anh cho 6.930 học sinh tại 11 trường THPT trọng điểm, gồm: THPT Long Xuyên, THPT Châu Văn Liêm, THPT Chu Văn An, THPT Tân Châu, THPT An Phú, THPT Tịnh Biên, THPT Nguyễn Trung Trực, THPT Nguyễn Khuyến, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Trần Văn Thành, Phổ thông Dân tộc nội trú THPT An Giang. Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh các trường THCS và THPT.

Chú trọng, đáp ứng yêu cầu hội nhập

“Nhìn chung, thời gian qua, công tác xây dựng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc các ngành đóng vai trò là nền tảng, động lực cho phát triển được tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, góp phần tăng về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, hội nhập quốc tế. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thể hiện tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là linh hoạt trong tổ chức thực hiện và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí”- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đánh giá.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong những năm tiếp theo, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ngành tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.

Theo đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở trường, lớp học bậc phổ thông theo hướng đạt chuẩn quốc gia phục vụ tốt yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học; bố trí nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới trường mầm non. Triển khai thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình và sách giáo khoa…

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng chất đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường quản lý, nâng chất giáo dục toàn diện; quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, thực hành, ngoại ngữ, tin học, giáo dục hướng nghiệp…

Tiếp tục thực hiện các nội dung, chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2025. Tập trung phát triển nhân lực cạnh tranh phục vụ thị trường lao động trong và ngoài nước. Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập. 

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ được coi là khâu đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thực hiện tốt khâu đột phá này sẽ làm tăng tiềm lực và sức mạnh của tỉnh, tạo sức mạnh tổng hợp phát triển KTXH trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

THU THẢO