Sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania của chị Chau Ngọc Dịu được khách hàng ưa chuộng
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, có 63 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (chiếm 71,59%), 21 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (chiếm 23,86%) và 4 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ - trang trí (chiếm 4,54%). Sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” đang từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu, giá trị trên thị trường và được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm nhận định, các sản phẩm đạt chứng nhận có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc… Sản phẩm hầu hết đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, thị trường trong và ngoài tỉnh. Hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại, kết nối giao thương đối với các sản phẩm OCOP được chú trọng và được triển khai thường xuyên. Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP đã tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường ưa chuộng, tạo luồng gió mới cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.
Hiện, hầu hết các sản phẩm OCOP đã được bày bán tại siêu thị, cửa hàng nông sản, cửa hàng khởi nghiệp, đặc sản An Giang... Trong đó, các sản phẩm OCOP: Đường thốt nốt Ngọc Trang, rượu cà na, cà na muối, mật ong, nước khoáng SM, khô Kim Loan… được phân phối tại cửa hàng của Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) tại An Giang, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và TP. Hà Nội.
Huyện Tịnh Biên đang xây dựng 40 sản phẩm đặc thù địa phương phục vụ du lịch, trong đó có 13 sản phẩm OCOP 4 và 3 sao. Còn tại huyện miền núi Tri Tôn, sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đã đến được thị trường Châu Âu. Đó là sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania của chị Chau Ngọc Dịu (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania, thị trấn Tri Tôn). Sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận thương hiệu độc quyền, sản phẩm đạt 4 sao và được đề xuất sản phẩm OCOP quốc gia 5 sao.
Chị Chau Ngọc Dịu chia sẻ: “Palmania 100% tự nhiên, không dùng chất phụ gia, vì không sử dụng phương pháp tách mật, nên khi làm thành dạng bột sản phẩm vẫn giữ được hương thơm, vị ngon đặc trưng của thốt nốt và các khoáng chất có trong mật thốt nốt sệt truyền thống. Nhờ chất lượng, sản phẩm được thị trường ngoài nước ưa chuộng. Sản phẩm mật thốt nốt Palmania được phân phối tại 14 tỉnh, thành phố, với hơn 50 điểm bán trên cả nước. Ở thị trường nước ngoài, sản phẩm có những đơn hàng đầu tiên xuất sang Anh, Hà Lan, Phần Lan…”.
Đặc biệt, mật thốt nốt Palmania còn mang về nhiều giải thưởng đáng tự hào, như: Great Taste Awards 2 sao, giải nhất Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang 2020, giải ba Cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2020, giải ba Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2020, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tỉnh An Giang 2019 - 2022...
Tại TX. Tân Châu có sản phẩm khá độc đáo: Thổ cẩm Châu Giang (cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong) của nghệ nhân Mohamad ở xã Châu Phong (TX. Tân Châu) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Hay sản phẩm tung-lò-mò (lạp xưởng bò) của người Chăm (xã Châu Phong) được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Ông Hứa Hoàng Vũ (chủ hộ kinh doanh ANAS) cho biết: “Từ ngày sản phẩm tung-lò-mò và lò-mò Pđăm (khô bò) được công nhận OCOP 3 sao, thì sản lượng và giá trị tiêu thụ càng tăng”.
Huyện Phú Tân có 7 sản phẩm OCOP 3 sao (chả cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị, rượu dâu tằm, nước cốt dâu tằm và siro atiso đỏ, lạp xưởng cá thát lát, kem trái cây vị sầu riêng). Huyện Chợ Mới có 7 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sản phẩm OCOP 3 sao) cũng là động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động. Chị Nguyễn Thị Kim Loan (hộ kinh doanh Kim Loan, huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Đến nay, sản phẩm khô cá lóc của cơ sở có lượng tiêu thụ ngày càng tăng tại các cửa hàng, nhất là trong các dịp lễ, Tết”.
An Giang phấn đấu đến năm 2025 có thêm 170 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Trong đó, phấn đấu có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn...
Để đạt mục tiêu, An Giang sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể kinh tế, hoàn thiện các văn bản triển khai. Tăng cường truyền thông, lồng ghép với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ số trong liên kết tiêu thụ, bán sản phẩm, kết nối thị trường trong và ngoài nước...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, các sản phẩm OCOP ngày càng được người dân và du khách đón nhận, tạo hiệu ứng tích cực trong triển khai thực hiện, góp phần tăng giá trị sản phẩm, giúp tăng lượng sản xuất và doanh thu. An Giang tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn. |
CHÂU AN