An Giang phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả

04/07/2023 - 06:45

 - Thị trường lao động đóng vai trò chủ đạo trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). An Giang quyết tâm phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, góp phần phục hồi và phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025.

Hỗ trợ giải quyết việc làm

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Châu Văn Ly cho biết, thời gian qua, công tác tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) và hỗ trợ phát triển thị trường lao động được quan tâm. Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường kết nối các doanh nghiệp (DN) với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tạo thêm nhiều việc làm cho NLĐ. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, việc làm cho NLĐ; nâng cao chất lượng đào tạo và gắn giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết thị trường lao động trong, ngoài tỉnh và ngoài nước

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang Phạm Văn Phước, năm 2022, đơn vị đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 27.824 lượt người (đạt 121% kế hoạch). Trong đó, giới thiệu kết nối việc làm 4.495 lượt người (đạt 150% kế hoạch). Có 379 DN trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 33.732 NLĐ; tư vấn đi xuất khẩu lao động cho 2.111 NLĐ.

Năm 2023, đơn vị phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tư vấn, giới thiệu việc làm 30.000 lượt; giới thiệu việc làm đạt 1.800 NLĐ; tư vấn cho 2.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… 6 tháng đầu năm 2023, tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm và 10 điểm cụm tư vấn việc làm cho hơn 111 DN và 4.526 NLĐ tham dự; hỗ trợ 107 lao động làm việc ở nước ngoài, trong đó phần lớn là thị trường Nhật Bản và Đài Loan.

Triển khai chính sách

Để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 338/KH-UBND nhằm triển khai các giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số và sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo đó, các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách việc làm gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển việc làm bền vững, việc làm xanh gắn với quy hoạch KTXH và bố trí đầu tư; tăng cường các hình thức tín dụng để phát triển việc làm; quan tâm hỗ trợ đối tượng yếu thế tham gia vào thị trường lao động. Ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong ngân sách giáo dục - đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; tăng cường xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp ở những địa bàn, ngành, nghề phù hợp.

Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đảm bảo an sinh xã hội toàn diện, bao trùm để NLĐ yên tâm làm việc, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực và tổ chức vận hành các yếu tố của thị trường lao động để có sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường lao động.

Phấn đấu các mục tiêu

Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 35%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hàng năm đạt 6,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,5%. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3,5%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.

Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đến năm 2025 đạt 25,13%. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 18,62% lực lượng lao động trong độ tuổi; 14,29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 85%.

“Để thực hiện đạt các mục tiêu, tỉnh sẽ tăng cường công khai, minh bạch của các chủ thể tham gia thị trường lao động; thúc đẩy hợp tác quốc tế, đẩy mạnh liên kết thị trường lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và ngoài nước. Đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, đóng vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết.

Tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm để phát triển thị trường lao động ở nông thôn phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho NLĐ, ưu tiên NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; NLĐ sinh sống trên địa bàn huyện nghèo; vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nâng quy mô, tần suất tổ chức sàn giao dịch việc làm, các phiên giao dịch việc làm tạo thuận lợi cho NLĐ, người sử dụng lao động tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm...

MINH THƯ