An Giang phòng, chống dịch bệnh ở trẻ em

26/04/2021 - 06:14

 - Đang vào mùa mưa, tình hình dịch bệnh ở trẻ em, nhất là bệnh tay - chân - miệng (TCM) và sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Bác sĩ CK II Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang cho biết: “Từ đầu năm đến nay, bệnh TCM diễn biến khá phức tạp. Đến giữa tháng 4-2021, toàn tỉnh có 1.075 ca mắc TCM; trong đó có 1 trường hợp tử vong ở địa bàn huyện Tri Tôn. Trong khi đó, thời điểm này của năm 2020, chỉ ghi nhận chỉ 226 trường hợp mắc TCM”.

ThS.BS Trang Thanh Minh Châu, Phó Trưởng khoa Nội nhi (Bệnh viện Sản - Nhi An Giang) khám và điều trị bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em

Số lượng ca mắc TCM tập trung nhiều ở những địa bàn đông dân cư như: huyện Chợ Mới 302 ca, Châu Thành 204 ca, Thoại Sơn 122 ca, Châu Phú 111 ca và TP. Long Xuyên 77 ca. trường hợp mắc TCM trong toàn khu vực nói chung và toàn tỉnh An Giang nói riêng đã tăng trên 300% so cùng kỳ năm 2020. Số ca mắc có mặt ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh đã phát hiện, xử lý 157/157 ổ dịch TCM ở các địa phương.

Bác sĩ CK II Phạm Thanh Tâm cho rằng, nguyên nhân do biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, sự lơ là trong việc tự bảo vệ của cá nhân vẫn tồn tại, đặc biệt việc chủ quan không tuân thủ “rửa tay thường xuyên” để phòng nhiều bệnh. Bên cạnh bệnh TCM, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Dù số trường hợp mắc so năm 2020 thấp hơn (giảm 50% so năm 2020), với 410 ca (18 ca sốc), nhưng diễn biến trong những tuần gần đây có thay đổi theo chiều hướng tăng đột biến, nhất là sau những cơn mưa đầu mùa và bệnh vẫn có chiều hướng tập trung ở các huyện đông dân cư.

Có mặt tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang thời điểm này, ThS.Bs Trang Thanh Minh Châu, Phó Trưởng khoa Nội nhi cho biết: “Hiện, bệnh TCM đang điều trị tại khoa tăng, diễn tiến bệnh nhiều trường hợp nặng hơn so năm trước, nhiều ca diễn tiến nặng như: tim mạch, thần kinh nhiều hơn, trong khi thuốc đặc trị không đủ, nên khó khăn trong quá trình điều trị. Nhiều ca nặng, bệnh viện phối hợp hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Nhi Đồng I (TP. Hồ Chí Minh) hoặc chuyển viện lên tuyến trên.

Bệnh tăng cũng dẫn đến quá tải, cùng với các bệnh khác, với lượng bệnh từ 170-200 ca TCM, sốt xuất huyết điều trị nội trú tại khoa/ngày, bệnh viện phải mở rộng thêm các phòng khác và cho nằm hành lang. Hầu hết bệnh nhân là trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi mắc nhiều hơn. Hiện khoa có 19 ca TCM đang điều trị nội trú (chiếm 1/5 số lượng bệnh của khoa). Có 9 ca TCM chuyển sang độ nặng phải chuyển từ Khoa Nội nhi sang Khoa Hồi sức tích cực (ICU), trong tháng 3-2021 cũng có 8 ca chuyển độ nặng”.

 Bác sĩ CK II Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang cho biết, nhận định dịch bệnh TCM và sốt xuất huyết là những bệnh lưu hành trong địa bàn tỉnh cũng như khu vực phía Nam, do đó ngay từ đầu năm tỉnh và các xã, thị trấn đã lên kế hoạch chuẩn bị đối phó và xử lý các ổ dịch, cũng như chuẩn bị các điều kiện về hóa chất, máy chống dịch, các trang thiết bị…

Nhờ đó, từ đầu năm 2021 đến nay, tất cả các ổ bệnh, dịch bệnh TCM và sốt xuất huyết trong tỉnh đã được xử lý đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động trong cộng đồng vẫn được tiến hành thường xuyên ở các địa phương, tuy nhiên việc thay đổi hành vi còn chậm.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh TCM là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như: viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bác sĩ CK II Phạm Thanh Tâm lưu ý, bệnh TCM và sốt xuất huyết đều là bệnh lây truyền; có tác nhân gây bệnh và cách lây truyền khác nhau, đặc biệt bệnh sẽ lây truyền mạnh khi thời tiết thay đổi và đến nay bệnh vẫn chưa có vaccine phòng ngừa. Do đó, việc phòng ngừa các bệnh này trong cộng đồng quan trọng và hiệu quả nhất vẫn là sự nâng cao ý thức và thực hành tự phòng vệ của từng cá nhân.

Bác sĩ CK II Phạm Thanh Tâm khuyến cáo: đối với bệnh TCM cần lưu ý vệ sinh nguồn nước sử dụng, vệ sinh các dụng cụ trong gia đình để bảo vệ chính bản thân như: sử dụng nước sạch, ăn chín, uống chín, thường xuyên rửa tay bằng xà bông hay các dung dịch sát khuẩn thông thường. Khi trẻ mắc bệnh, cần giữ trẻ tại gia đình, tránh để tiếp xúc với các trẻ khác ít nhất 1 tuần sau khi lành bệnh và tăng cường vệ sinh nhà cửa, các dụng cụ, đồ chơi… mà trẻ có thể chạm vào. Khi thấy trẻ sốt, hoặc có những bóng nước bất thường ở TCM nên đến cơ sở y tế để được hướng dẫn.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, lưu ý không để lăng quăng phát sinh trong và chung quanh nhà, khu dân cư…vì “không có lăng quăng-không có sốt xuất huyết”. Bên cạnh đó, cần phải diệt muỗi và tránh muỗi đốt bằng cách dùng các sản phẩm diệt - đuổi muỗi thông thường; phát quang nhà cửa tránh để muỗi trú đậu, không để muỗi đốt: mặc đồ dài tay, ngủ mùng ngay cả ban ngày… Khi có biểu hiện sốt cao nên khẩn trương đến cơ sở y tế để được hướng dẫn.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

 

Liên kết hữu ích