An Giang quảng bá sản phẩm tiêu biểu tại “Phiên chợ hàng Việt cuối tuần”

20/12/2022 - 05:22

 - Đầu tháng 12, Sở Công Thương An Giang phối hợp UBND huyện Thoại Sơn và Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn tổ chức “Phiên chợ hàng Việt cuối tuần”, đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng doanh thu bán hàng trong 3 ngày đạt gần 400 triệu đồng, thu hút gần 2.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Qua đó, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu, tiềm năng thương mại và du lịch của các địa phương đến với nhà phân phối, nhà cung cấp trong và ngoài huyện.

“Phiên chợ hàng Việt cuối tuần” thu hút khách tham quan, mua sắm

Hơn 20 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã địa phương tham gia trưng bày, bán sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) theo phong cách siêu thị. Trong đó, tập trung mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm qua chế biến, thực phẩm công nghệ, như: Khô cá lóc 7 Chóp, khô cá lóc Đại Phát, bưởi da xanh Hùng Hạnh, trà mãng cầu và cam xoàn; tàu hủ ky; chả cá sốt Mayonnaise, chả cá tẩm cốm xanh, chả cá hải sản tẩm bánh mì; nước mắm; nấm linh chi Tri Thức (huyện Thoại Sơn).

Huyện Chợ Mới có khô cá lóc Kim Loan; tương hột Trường Thọ; các sản phẩm làm từ gạo lứt của Công ty TNHH TM&DV Nông Phát Đạt. Ngoài ra, còn có mật ong rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên), viên tinh nghệ mật ong, viên trái nhàu mật ong Đông Nam (huyện Châu Thành); snack bưởi, dâu cuộn nước cốt dâu tằm, mứt dâu tằm, vang dâu tằm (TX. Tân Châu)... Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn có các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, thủy sản, điện, điện tử, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc, giày dép, quà tặng, ẩm thực…

Phiên chợ đã tạo hiệu ứng tích cực. Một số sản phẩm bày bán được khách hàng mua, thích và quay lại mua thêm, như: Sản phẩm viên trái nhàu và viên tinh nghệ mật ong, khô cá lóc 7 Chóp. Đặc biệt, khô cá lóc 7 Chóp được Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn đặt hàng khoảng 1 tấn để phục vụ nhu cầu thị trường Tết.

Bà Ngô Thị Tuyết Dung (chủ hộ kinh doanh) chia sẻ: “Tôi làm khô bán ở thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn) nhiều năm nay, giờ sản phẩm đạt OCOP 3 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Thông qua phiên chợ, người tiêu dùng trong và ngoài huyện sẽ biết đến, mong sản phẩm được tiêu thụ ngoài tỉnh và vào hệ thống siêu thị”.

Tương hột Trường Thọ (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới) có lượng tiêu thụ khá cao, hơn 10kg. Chị Trần Thị Thu Trang (chủ cơ sở) cho biết: “Được Sở Công Thương hỗ trợ tham gia phiên chợ, tôi mong muốn khách hàng đặt niềm tin để sản phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị hiện đại”.

Trưng bày các sản phẩm làm từ gạo lứt, chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng (Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Nông Phát Đạt) chia sẻ: “Phiên chợ như thế này mang đến cơ hội lớn cho DN. Hiện, sản phẩm của DN đã được đưa vào các cửa hàng OCOP”.

Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn Mai Ngọc Đoàn cho biết: “Phiên chợ góp phần gắn kết DN địa phương với siêu thị và người tiêu dùng. Co.opmart Thoại Sơn mong muốn xây dựng được quầy đặc sản địa phương tại siêu thị để khách (nhất là khách du lịch) tìm mua; lập mạng lưới để DN thâm nhập sâu vào hệ thống siêu thị Co.opmart. Sản phẩm tham gia phiên chợ đều là sản phẩm OCOP, có uy tín, giá cả và chất lượng tốt, trở thành sản phẩm tiềm năng được xúc tiến đưa vào bán tại siêu thị thời gian tới”.

Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thoại Sơn Ngô Thanh Ngọc Cảnh thông tin: “Đến nay, huyện Thoại Sơn có 13 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Phiên chợ giúp người tiêu dùng nhận biết và hiểu rõ hơn về sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của địa phương”.

Tuy nhiên, lượng khách và doanh thu của phiên chợ chưa đạt như mong đợi; một số sản phẩm bày bán dù thu hút khách tham quan nhưng chưa tiêu thụ được. Khi tham gia phiên chợ, DN nhận được nhiều ưu đãi, như: Hỗ trợ chi phí thuê gian hàng, điện, nước, có vị trí ưu tiên... Một số DN coi phiên chợ chỉ là đợt bán hàng thông thường, sau vài lần tham gia, doanh thu, lợi nhuận không đạt như mong muốn, họ đã ngừng tham gia.

Nhìn một cách tổng quát, DN, cơ sở có nhu cầu mở rộng kinh doanh đã được kết nối đưa sản phẩm vào trưng bày, bán tại siêu thị; mở ra nhiều cơ hội phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm, đồng thời kích cầu tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Với các DN, đây là cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng nông thôn, đồng thời nắm bắt được thị hiếu của khách hàng để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Phiên chợ tạo ra sự tương tác 2 chiều giữa DN và người dân khu vực nông thôn, góp phần đưa hàng Việt thâm nhập sâu hơn thị trường này. Mặt khác, người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận được các mặt hàng Việt, phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, có giá cả hợp lý với thu nhập của họ.

Từ những phiên chợ này, người dân khu vực nông thôn có thêm cơ hội tham quan, mua sắm mặt hàng chất lượng cao, do chính DN trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả với hàng ngoại bày bán trôi nổi trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân cho biết: “Việc tổ chức phiên chợ cuối tuần nhằm tăng cường vai trò hỗ trợ DN của cơ quan nhà nước trong hoạt động thương mại; thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, duy trì tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất, tăng cường hoạt động thương mại. Đây là cơ hội kết nối trực tiếp giữa DN với khách hàng. Từ chương trình này, DN được tự giới thiệu, quảng bá hình ảnh và các sản phẩm tiêu biểu của đơn vị mình”.

HẠNH CHÂU