Chợ Đường Xứ (Tịnh Biên) là một trong những điểm nóng về buôn lậu lúa, gạo qua biên giới
Nhận diện thủ đoạn
3 địa phương mà đoàn công tác chọn thị sát tình hình là: TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc và huyện Tịnh Biên. Đây là 3 địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, dài gần 100km. Lợi dụng địa hình, địa vật trên tuyến biên giới, đối tượng buôn lậu đã tìm mọi cách để ngày đêm đưa hàng qua biên giới, vào sâu trong nội địa để tiêu thụ, tìm kiếm lợi nhuận.
Ở TX. Tân Châu, địa bàn tuyến trọng điểm của buôn lậu là các ấp 1, 2 và 5 của xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu); TP. Châu Đốc có rạch Chắc Ri, rạc Cây Gáo (phường Vĩnh Nguơn), mương Năm Lùn (xã Vĩnh Tế); huyện Tịnh Biên có rạch Lâm Vồ, đường Trường Cá, chợ Đường Xứ…
“Thủ đoạn của buôn lậu rất nhiều và liên tục thay đổi để thích nghi với tình hình theo từng thời điểm, cụ thể các đối tượng này thường xuyên cử lực lượng canh đường, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ, công tác chống buôn lậu; đối tượng buôn lậu đã dùng điện thoại liên lạc trực tiếp với nhau; phân tán nhỏ hàng hóa, thuê người đai vác, vận chuyển vào nội địa. Đối với các mặt hàng gọn nhẹ như: vàng, USD, điện thoại di động được cất giấu trong người để vận chuyển qua biên giới…” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải chia sẻ.
Ngoài những thủ đoạn trên, đối với địa hình sông nước, chúng để lẫn lộn hàng lậu trong các hàng hóa vận chuyển phương tiện đường thủy. Mục đích, lợi dụng sự chủ quan của lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu để vận chuyển hàng vào sâu trong nội địa tiêu thụ hay ngụy trang bằng các giỏ hàng hóa, chở theo trẻ em, tập kết vào nhà dân, chia thành các tốp nhỏ lẻ từ 3-5 xe/tốp để đưa đi tiêu thụ.
Còn ở TP. Châu Đốc, đặc biệt là các phường: Vĩnh Nguơn, Núi Sam, xã Vĩnh Tế, các đối tượng buôn lậu đã dùng các loại máy xe ôtô (có mã lực lớn) đặt xuống các loại vỏ lãi để chở đường cát, thuốc lá điếu qua biên giới.
“Tốc độ di chuyển của các loại phương tiện “chuyên dùng” này đi rất nhanh, có thể đạt từ 50-60 km/giờ và chúng có thể chạy được trên địa hình đồng cỏ nhờ có 2 miếng sắt phía trên và phía dưới chân vịt. Hai miếng sắt này hạn chế không cho chân vịt quấn cỏ, lưới giăng trên đồng” - Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn chia sẻ.
Đề ra giải pháp
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương luôn cập nhật tình hình, diễn biến mới của các đối tượng, đường dây buôn lậu nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu, triệt xóa buôn lậu, không để trên địa bàn có những điểm nóng về buôn lậu. Đi đầu trong công tác này, trước hết có thể kể đến sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo 389 TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc và huyện Tịnh Biên.
Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Hoàng Hải cho biết, TX. Tân Châu sẽ tiếp tục mở các đợt cao điểm trong phối hợp tuần tra, kiểm soát, chống buôn lậu trên tuyến biên giới. Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, thực hiện sưu tra đối tượng, địa bàn trọng điểm; phân công cán bộ xuống địa bàn xây dựng cơ sở.
Xây dựng mạng lưới nắm tình hình từ xa đi vào đường dây đối tượng buôn lậu lớn để có kế hoạch đánh bắt hiệu quả, phát hiện sớm và xử lý các hành vi, thủ đoạn mới. Tăng cường công tác nắm tình hình khu vực nội, ngoại biên. Đẩy mạnh công tác mật phục chống buôn lậu trong thời gian tới. Sớm lắp đặt camera giám sát trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm buôn lậu.
Đề xuất di dời 68 hộ dân sinh sống ở khu vực biên giới về tuyến sau để làm cho tình hình trên khu vực này ngày càng ổn định. Tổ chức, hiệp đồng chặt chẽ trong quá trình đánh bắt buôn lậu, kịp thời phối hợp, hỗ trợ giữa các lực lượng.
“ Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong nội bộ, không để cán bộ chống buôn lậu tiếp tay cho buôn lậu. Trong quá trình đó, nếu phát hiện ai có hành vi nêu trên thì sẽ đưa ra khỏi tổ chức một cách nhanh chóng” - ông Hải khẳng định.
Các lực lượng chức năng như: công an, quản lý thị trường, biên phòng, hải quan đã ký kết quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã xây dựng hệ thống cơ sỡ dữ liệu trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu. Bằng việc nhận diện thủ đoạn, đề ra giải pháp đấu tranh, hy vọng trong thời gian tới, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh sẽ đạt hiệu quả cao hơn, góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước.
“Hiện nay, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc chống dịch bệnh Covid-19. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đặt lên hàng đầu nhưng không vì thế mà các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn lơ là công tác chống buôn lậu. Chúng ta phải vừa chống dịch, vừa chống buôn lậu. Muốn vậy, phải tiếp tục nhận diện cho rõ thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu để từ đó đề ra giải pháp hữu hiệu, nhằm tiếp tục lập lại trật tự trên mặt trận này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng chỉ đạo.
MINH HIỂN