An Giang tăng cường chăm lo trẻ em

01/06/2022 - 17:08

 - Các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, địa phương luôn đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện.

Phổ cập bơi cho trẻ em

Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đạt được những kết quả quan trọng, hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng các cấp được quan tâm nâng chất. Cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban ngành, đoàn thể tiếp tục phát huy tốt vai trò lãnh, chỉ đạo và triển khai hiệu quả chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong đó, thường xuyên lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ về trẻ em vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương hàng năm và theo từng giai đoạn cụ thể.

Đến cuối năm 2021, An Giang có 450.768 trẻ, trong đó 5.737 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Với nỗ lực chung, tất cả trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật thuộc diện bảo trợ xã hội được hỗ trợ, chăm sóc tại cộng đồng; tất cả trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh miễn phí theo quy định. 60% xã, phường, thị trấn trong tỉnh triển khai thí điểm mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em”; 70,5% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em; giảm 10% số vụ trẻ em bị xâm hại, bạo lực…

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang phối hợp với Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và đào tạo 11 huyện, thị xã, thành phố thành lập hơn 700 câu lạc bộ (CLB) trẻ em tại các trường học và cộng đồng, nhằm tuyên truyền các chính sách liên quan đến trẻ em cho chính đối tượng là trẻ em tại nhà trường và cộng đồng. Toàn tỉnh đã củng cố và thành lập 10 CLB quyền tham gia của trẻ em tại 7 huyện, thị xã, thành phố và 2 CLB phóng viên nhỏ cấp tỉnh với hơn 500 học sinh các trường THCS tham gia. Khi sinh hoạt tại các CLB này, trẻ được học tập, vui chơi, nêu ý kiến, rèn các kỹ năng sống, phát triển trí tuệ và được sinh hoạt lành mạnh để thể hiện khả năng của mình...

Trao học bổng cho học sinh vượt khó

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch của các ngành, địa phương để triển khai hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, diễn ra từ ngày 1/6 đến 30/6. Tháng hành động được các cấp tổ chức thiết thực, tiết kiệm, tăng sự ủng hộ và đồng thuận của xã hội thực hiện các chương trình, mục tiêu vì trẻ em; hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trẻ em dân tộc và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt…

Các cấp, ngành trong tỉnh An Giang đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền tại cộng đồng về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh; thông tin hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. Tăng cường truyền thông về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (đầu số 111) và tổng đài 18008077 về phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em khi có nhu cầu cần hỗ trợ… Nhân rộng điểm tư vấn học đường tại các trường học và triển khai các mô hình về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, mô hình “Hội đồng trẻ em”. Tổ chức các phiên tòa giả định tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm tuyên truyền pháp luật liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; tuyên truyền trong công nhân, lao động về phòng, chống xâm hại trẻ em tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phát triển các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ, như: Diễn đàn trẻ em, CLB quyền trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ khởi xướng để trẻ em phát huy được quyền tham gia và giúp các em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình… Qua đó, lan tỏa và tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành trong phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em.

Cùng với đó, vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn tài chính để xây dựng và phát triển Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp; thăm hỏi, tặng quà, động viên, giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh; đỡ đầu, trợ giúp trẻ em nghèo, bị bạo lực, xâm hại. Hỗ trợ thiết bị vui chơi giải trí, đồ dùng học tập, tủ sách cho trẻ tại cộng đồng. Kết nối, tiếp nhận quà tặng từ Quỹ Bảo trợ Việt Nam, các cá nhân, tổ chức, để tổ chức tặng quà, trao học bổng, sổ tiết kiệm… cho trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc, trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19, trẻ khuyết tật có thành tích tốt trong học tập và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Tổ chức các hoạt động trại hè cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề lao động sớm, xâm hại, bạo lực trẻ em”. Chăm sóc sức khỏe và phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị bệnh bẩm sinh, bệnh hiểm nghèo. Vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; kết nối các nhà tài trợ khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, các bệnh hiểm nghèo, các bệnh về khuyết tật, dị tật vận động và các dạng bệnh khác…

UBND tỉnh An Giang yêu cầu Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền tại cộng đồng về công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em. Kịp thời ghi nhận, nhanh chóng xử lý những thông tin tố giác liên quan đến trẻ em và xử lý nghiêm các vi phạm đến quyền và lợi ích của trẻ theo quy định của pháp luật.

HỮU HUYNH