Tận dụng cơ hội
Thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP, ngày 20/2/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 1211-KH/UBND, ngày 19/12/2023 để triển khai trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước về các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, luật pháp và tập quán kinh tế quốc tế; nhạy bén phát hiện các xu hướng, mô hình phát triển mới trên thế giới, như: Kinh tế số, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển công nghiệp văn hóa, trí thức... nhằm nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh và năng lực của doanh nghiệp (DN).
Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang thường xuyên chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế, như: Tăng cường tham dự các hội nghị với đối tác nước ngoài, tổ chức gặp gỡ, giao lưu giữa DN tỉnh và DN nước ngoài, tổ chức sự kiện quảng bá hình ảnh của địa phương và kêu gọi đầu tư từ đối tác nước ngoài.
An Giang tăng cường quan hệ ngoại giao
Vừa qua, An Giang đăng cai tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên năm 2024, thu hút khoảng 300 gian hàng của 120 DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh có uy tín đến từ 12 tỉnh, thành phố Việt Nam, các DN 2 tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia) và DN tỉnh Champasak (Lào).
Trước đó, đoàn công tác An Giang và DN tỉnh đã tham dự Hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc tại tỉnh Bình Dương vào ngày 17/5/2024. Tỉnh tổ chức đoàn công tác tham dự các hoạt động chúc Tết Bunpimay, Diễn đàn Hợp tác Thương mại - Đầu tư và Du lịch thúc đẩy Hành lang kinh tế Đông Tây và Tam giác phát triển CLV, Lễ khai mạc Hội chợ triển lãm Việt Nam - Lào - Campuchia tại TP. Pakse (tỉnh Champasak, Lào).
Nhờ nỗ lực ngoại giao kinh tế, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 36 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư 261 triệu USD. Tỉnh đã lập đề xuất dự án tranh thủ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm các dự án: Xây dựng hệ thống hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên; phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu đô thị Tịnh Biên; chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL - tỉnh An Giang.
Đến nay, An Giang có 1 DN đầu tư tại Campuchia là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài), với tổng vốn đầu tư gần 1,74 triệu USD, ngành nghề hoạt động là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; phân bón nông nghiệp và hạt giống; trồng lúa; thực hiện các dịch vụ trồng trọt.
Hội nhập để phát triển
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện trên 3 nội dung, gồm: Đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng; góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới; tích cực hỗ trợ địa phương, DN, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án, với tinh thần lấy người dân, địa phương, DN làm trung tâm phục vụ.
Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, như phát triển ngành Halal, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và DN. Trong 6 tháng qua, Việt Nam đã đón nhiều tập đoàn, DN lớn, như: NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens... cùng hàng trăm DN lớn đến từ Bắc Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản...
Đồng thời, tranh thủ tối đa lợi thế mạng lưới 16 FTA (hiệp định thương mại tự do) đã ký với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới; tích cực tham mưu, thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển các ngành mới, đột phá.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những nỗ lực trong ngoại giao kinh tế giúp kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy, tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (GDP tăng 3,84%) và vượt kịch bản đề ra.
“Hàng quý, Thủ tướng Chính phủ đều tổ chức hội nghị với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, mục đích nhằm kết nối nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới, hỗ trợ DN sản xuất - kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng, liên kết trên toàn cầu, góp phần thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các cơ quan tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA, thúc đẩy mở rộng các thị trường Trung Đông, Nam Mỹ, Châu Phi, sản phẩm Halal; theo dõi sát tình hình về các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam để có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa; tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi du lịch, nghiên cứu chính sách visa phù hợp để tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách; tận dụng những cơ hội có thể để xuất khẩu lao động ra các nước.
|
NGÔ CHUẨN