Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh An Giang cho biết, tính đến cuối tháng 10/2022, tổng số các trường hợp nhiễm HIV lũy tích từ năm 1993 được phát hiện trong toàn tỉnh là 12.712 người. Có 7.044 trường hợp còn sống, số người bệnh nhiễm đang điều trị đến tháng 9/2022 là 5.405 người và 5.668 trường hợp tử vong.
10 tháng của năm 2022, toàn tỉnh phát hiện mới 256 bệnh nhân nhiễm HIV, 6 trường hợp chuyển sang AIDS và 33 trường hợp tử vong do AIDS. Tỷ lệ mắc giang mai và HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới ngày càng tăng cao, độ tuổi nhiễm ngày càng trẻ hóa.
Theo bác sĩ Dương Anh Linh (Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang), những tháng đầu năm 2022, tỉnh triển khai nhiều giải pháp; tăng cường tìm ca nhiễm HIV tại các cơ sở y tế cũng như cộng đồng thông qua các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng để giới thiệu chuyển tiếp thành công đến cơ sở điều trị; tăng cường tư vấn HIV cho đối tượng nguy cơ cao; nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị, điều trị nhanh và điều trị trong ngày; cấp thuốc ARV nhiều tháng.
Mít tinh hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
Tỉnh nỗ lực triển khai nhiều dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, như: Điều trị ARV, Methadone, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP); dự phòng, chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; dự phòng, chẩn đoán và điều trị lao, viêm gan virus, các bệnh đồng nhiễm thường gặp; phối hợp trong điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tư vấn xét nghiệm; điều trị PrEP và các biện pháp dự phòng khác.
Từ năm 2021 đến nay, nhờ sự tích cực của ngành chức năng, tỷ lệ nhiễm HIV giảm: Từ 375 trường hợp năm 2020 đến năm 2021 còn 262 và 10 tháng năm 2022 giảm còn 256 trường hợp. Tỷ lệ chuyển sang AIDS cũng giảm rõ rệt từ 110 trường hợp (năm 2018) nay còn 6 trường hợp. Tỷ lệ tử vong do AIDS giảm mạnh.
Hoạt động can thiệp giảm tác hại được triển khai 11/11 huyện, thị xã, thành phố. 9 tháng của năm 2022, toàn tỉnh tiếp cận phân phát bơm kim tiêm và bao cao su cho hơn 3.000 người nghiện chích ma túy, phát bao cao su cho 2.074 phụ nữ mại dâm, 2.052 nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và 1.978 vợ/chồng bạn tình người nhiễm.
Thực hiện xét nghiệm HIV cho 18.986 người (phát hiện HIV dương tính 551 người), tập trung chủ yếu trong nhóm đối tượng khác 301 người, nam quan hệ tình dục đồng giới 183 người và nhóm vợ chồng bạn tình người nhiễm 34 người.
Hiện, đang điều trị Methadone 394 bệnh nhân tại 3 cơ sở trên địa bàn TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu. Quản lý điều trị ARV 5.405 bệnh nhân. Thực hiện Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Xét nghiệm 26.237 (phụ nữ mang thai, chuyển dạ đẻ) phát hiện 19 trường hợp HIV dương tính.
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 có chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”, ngành y tế tăng cường huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm, như: Viêm gan virus, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân.
Tùy điều kiện cụ thể, các đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến về các nội dung tình hình dịch bệnh HIV/AIDS; đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó, cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng khó kiểm soát.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường tư vấn và xét nghiệm HIV, gồm: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV và xét nghiệm nhiễm mới HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP), điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV)... Triển khai các hướng dẫn để người dân có thể tiếp cận được với các dịch vụ điều trị Methadone, ARV một cách liên tục... đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.
Nhờ những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đạt nhiều kết quả, với nhiều mô hình, sáng kiến hay. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây nhiễm qua đường tình dục. Người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và tăng nhanh trong những năm gần đây.
Đặc biệt, năm 2022 có tới 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm dưới 29 tuổi. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được báo cáo là nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam. Hiện, có những địa phương báo cáo có 60-80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm qua là thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Do đó, tỉnh cần tăng cường chương trình phòng, chống HIV/AIDS để ngăn chặn dịch AIDS quay trở lại và để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS năm 2030.
HẠNH CHÂU