An Giang: Tăng tốc những tháng cuối năm 2023

09/10/2023 - 23:51

 - Năm 2023 được xem là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm (2021 - 2025). Với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng tăng 7%, năm 2023, có thể đạt tăng trưởng 7,36%. Tuy nhiên, để đạt được điều đó đòi hỏi nỗ lực chung của các cấp, ngành, doanh nghiệp (DN) và người dân.

Kinh tế tiếp tục phục hồi

Theo Cục Thống kê An Giang, kinh tế 9 tháng của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng. Trong đó, sản xuất nông nghiệp, thủy sản được mùa, được giá nên có mức tăng trưởng cao, kéo theo các lĩnh vực khác.

GRDP 9 tháng của năm 2023 tăng 7% so cùng kỳ năm trước (9 tháng của năm 2022 tăng 6,79%). Trong mức tăng chung thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,16% (cùng kỳ tăng 3%), tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế. Đặc biệt, 2 mặt hàng nông sản chủ lực của An Giang là lúa gạo và cá tra có đóng góp lớn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu, với mức tăng 4,16% so cùng kỳ; riêng sản lượng thu hoạch thủy sản đạt 477.000 tấn, tăng 7,21% (tăng 32.000 tấn). Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 9,5% (cùng kỳ tăng 10,63%); khu vực dịch vụ tăng 8,8% (cùng kỳ tăng 8,92%); thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm tăng 3,89%.

Tính từ đầu năm đến ngày 14/9/2023, có thêm 681 DN thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 4.725 tỷ đồng; 203 DN hoạt động trở lại, giảm 6,45%; 341 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 8,6%. Trong 9 tháng, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 15.177 tỷ đồng, tăng 21,29%, chủ yếu tăng nguồn vốn đầu tư công.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt gần 1,04 tỷ USD, tăng 3,02% so cùng kỳ. Các DN xuất khẩu thủy sản đông lạnh đạt 90.000 tấn, tương đương 225,6 triệu USD; các hộ kinh doanh xuất khẩu thủy sản nguyên con qua Campuchia đạt 33.400 tấn, tương đương 48,7 triệu USD. Đối với xuất khẩu gạo, đạt 440.500 tấn, giá trị 249 triệu USD, tăng 11,56% về sản lượng và tăng 14,55% về kim ngạch so cùng kỳ.

Các thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu là: Châu Á (Trung Quốc, Indonesia, Philippines…), Châu Phi, Liên minh Châu Âu (EU), Châu Mỹ (Hoa Kỳ, Brazil…) và Châu Đại Dương. DN xuất khẩu rau quả đông lạnh đạt 12.000 tấn, tương đương 18 triệu USD, chủ yếu xuất sang Malaysia, Đài Loan, Hà Lan, Đức, Canada, Thụy Điển; các hộ kinh doanh xuất khẩu rau quả sang Campuchia đạt 106.000 tấn, giá trị 30,7 triệu USD.

Từ đầu năm đến nay, thị trường tiền tệ ổn định, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về trần lãi suất huy động và cho vay, phát huy vai trò hỗ trợ DN phục hồi tăng trưởng, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD), xuất, nhập khẩu. Tổng số dư huy động vốn 9 tháng đạt 66.850 tỷ đồng, tăng 6,03% so cuối năm 2022; tổng dư nợ cấp tín dụng 106.375 tỷ đồng, tăng 4,21%. Tổng thu từ kinh tế địa bàn ước đạt 5.432 tỷ đồng, đạt 81,83% dự toán năm 2023.

Khai thác thế mạnh

Mặc dù kinh tế đang phục hồi nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh, vẫn còn những khó khăn cần khắc phục. Đó là thị trường bất động sản còn nhiều thách thức; giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so kỳ vọng; khó khăn trong xuất khẩu kéo theo việc làm bị cắt giảm; nhiều DN gặp khó khăn về vốn, SXKD…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, những tháng cuối năm 2023, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công cụ thể lãnh đạo các ngành, địa phương chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xem kết quả giải ngân đầu tư công là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2023.

Bên cạnh triển khai các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ phục hồi, phát triển SXKD hiệu quả, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo đột phá thủ tục hành chính, củng cố niềm tin để thu hút các tập đoàn, DN lớn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo điều kiện hình thành các hệ sinh thái, mối liên kết giữa DN trong tỉnh với các tập đoàn, DN lớn trong nước và DN FDI, nhằm tận dụng công nghệ mới, trình độ sản xuất cao, kéo DN trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ đổi mới, sáng tạo. Ngành ngân hàng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đảm bảo pháp lý, các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển SXKD.

Thời điểm cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là cơ hội kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch (DL). Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện để DN triển khai các chương trình khuyến mại, bình ổn giá, liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu DL; đẩy mạnh kênh mua sắm online; tổ chức các sự kiện liên quan đến ngày hội mua sắm, giải trí, ẩm thực, DL… để thu hút người dân và du khách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai công tác quảng bá, xúc tiến DL thông qua các liên hoan, sự kiện DL của An Giang và các tỉnh, thành phố tổ chức; tăng cường liên kết với Chương trình liên kết hợp tác phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, kết nối phát triển lĩnh vực văn hóa DL với tỉnh Đồng Tháp, Cụm liên kết phát triển DL phía Tây ĐBSCL và các tỉnh miền Trung, miền Bắc mà tỉnh An Giang đã tham gia ký kết, hợp tác phát triển DL…

Quý IV/2023, Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ tạo thành quy hoạch đồng bộ, công khai, minh bạch, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, tầm nhìn mới cho các nhà đầu tư, DN trên địa bàn tỉnh và cả nước đến với An Giang

 

NGÔ CHUẨN