An Giang tạo sự hài lòng người dân và doanh nghiệp

01/08/2024 - 07:20

 - Mặc dù các ngành, địa phương đã nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), nhưng kết quả các Chỉ số CCHC tỉnh An Giang năm 2023 của tỉnh thấp và giảm hạng so các năm. Do đó, đòi hỏi các ngành, các cấp phải nỗ lực, quyết tâm hành động, để Chỉ số CCHC tỉnh năm 2024 được cải thiện, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN).

Nâng cao tinh thần, trách nhiệm, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ phân tích: "Chỉ số CCHC cấp tỉnh gồm 8 lĩnh vực, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần. Tỉnh có trên 40/61 tiêu chí thành phần đạt điểm tối đa (trên 65,6%), nhưng có 21/61 tiêu chí thành phần mất điểm, nhiều nhất là: Cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của địa phương".

Đơn cử như, sáng kiến hoặc giải pháp mới trong CCHC, Bộ Nội vụ thẩm định công nhận 2/8 sáng kiến, giải pháp tỉnh đề xuất. Trong đối thoại của lãnh đạo tỉnh với người dân, DN, Bộ Nội vụ cho rằng, một số hội nghị đối thoại không phải do lãnh đạo tỉnh chủ trì, đối tượng tiếp xúc, đối thoại phải là người dân, DN và do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì, để tháo gỡ, giải quyết vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách ở lĩnh vực, chuyên đề cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, chứ không phải tiếp xúc đại trà. Trong thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, An Giang được giao 157 nhiệm vụ, có 18 nhiệm vụ tỉnh hoàn thành muộn so thời hạn quy định, 11 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.

Tỉnh cũng mất điểm trong công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); kết quả giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn; chất lượng giải quyết TTHC của địa phương; tỷ lệ giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện các kiến nghị sau thanh, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, ngân sách...

Điểm khảo sát Chỉ số hài lòng của người dân thấp hơn mức bình quân cả nước. Kết quả đánh giá tác động của CCHC đến phát triển KTXH, tỉnh bị mất điểm do chưa đạt ở 3 tiêu chí về: Số vốn đăng ký của DN, thu ngân sách và mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển KTXH. Bên cạnh đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận cán bộ, công chức chưa tốt, sai phạm đến mức bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền.

Thiếu giải pháp, sáng kiến, mô hình CCHC hiệu quả để áp dụng. Việc triển khai quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC dù tích cực triển khai, nhưng còn nhiều hạn chế: Thiếu trang thiết bị số hóa; quy trình số hóa chưa đảm bảo… Một bộ phận cán bộ, công chức chưa quan tâm, quyết liệt trong đẩy mạnh CCHC, kết quả khảo sát xã hội học của tỉnh dành cho đối tượng cán bộ, công chức (qua các năm đều đạt kết quả thấp, tác động tiêu cực, giảm chỉ số và thứ hạng CCHC của tỉnh).

BS.CKII Đoàn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết: "Sở Y tế đã chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung ngành y tế tạo nền tảng Chính phủ điện tử và thực hiện chuyển đổi số, CCHC trong công tác quản lý. Đến tháng 12/2023, cơ sở dữ liệu ngành y tế đã kết nối tập trung các nhóm dữ liệu quan trọng phục vụ CCHC, nền tảng tích hợp phân tích dữ liệu ngành y tế, như: Khám, chữa bệnh; thông tin y tế; thống kê dân số; pháp y và giám định y khoa...

Tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng của ngành y tế, cung cấp bức tranh tổng thể phục vụ nhu cầu điều hành quản lý của lãnh đạo các cấp; dữ liệu trực tuyến (kết nối API) đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và hiện đại hóa công tác quản lý của ngành, hạn chế giấy tờ hành chính trong báo cáo tổng hợp số liệu thủ công...".

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương cho biết: "Ngoài vận dụng các mô hình, sáng kiến đã được công nhận, các xã, thị trấn triển khai, vận dụng mô hình, sáng kiến mới, như: Hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công quốc gia trong giải quyết TTHC, thanh toán trực tuyến và trả kết quả đến nhà cho công dân; hỗ trợ công dân tạo tài khoản cá nhân; ngày không viết, ngày không hẹn tại bộ phận trả kết quả; ứng dụng mã QR niêm yết, tra cứu TTHC, nộp hồ sơ trực tuyến… Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, xã, thị trấn hoạt động hiệu quả, chất lượng càng cao, số lượng hồ sơ được giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ cao... tạo sự hài lòng của người dân và DN".

Để khắc phục tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Từng ngành, từng cấp phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, vận dụng, áp dụng các giải pháp CCHC hiệu quả; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.

HẠNH CHÂU