An Giang tập trung cho chuyển đổi số

16/01/2024 - 05:20

 - Chương trình Chuyển đổi số tỉnh An Giang nhằm nâng cao hoạt động hiệu quả quản lý, điều hành cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chuyển đổi số thực hiện trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Phát triển kinh tế số

Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn năm 2023 là năm đồng hành đưa DN công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài. Song song với phối hợp cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức, An Giang thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ triển khai chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cơ sở, tổ, đội. Tỉnh thành lập 887 tổ công nghệ số cộng đồng, gồm 6.517 thành viên. Tập huấn, hướng dẫn cài đặt, sử dụng các nền tảng số bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp, như: Tạo tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công, VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt (VNPT Pay, Viettel Money...), Sổ sức khỏe điện tử, Bảo hiểm xã hội (VssID)...

Tỉnh tổ chức “Chuỗi sự kiện Chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2023”, gồm 4 nội dung: Hội nghị tập huấn tuyên truyền về Chiến lược phát triển thương mại trong nước năm 2023; tập huấn, diễn tập về an toàn an ninh thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công nghệ thông tin tại sở, ban, ngành và cấp huyện; triển lãm, trưng bày về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI); chuỗi hội thảo về chuyển đổi số.

Tổ chức chuỗi sự kiện Chuyển đổi số tỉnh An Giang

Nhằm phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, tỉnh triển khai cho 100% DN sử dụng hóa đơn điện tử; ban hành kế hoạch hỗ trợ DN vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số; tập huấn “Kỹ năng bán hàng online” trên nền tảng TikTok cho khoảng 100 DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ 19 DN tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee; đưa 88 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) lên trang sản phẩm OCOP tỉnh để quảng bá.

Tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ DN phát triển sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử, mô hình công nghệ 4.0, đổi mới hình thức hỗ trợ kết nối DN từ kết nối giao thương truyền thống sang hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Các sản phẩm OCOP được thông tin, quảng bá trên phương tiện thông tin thị trường (bản tin thị trường nông sản, bản tin xúc tiến thương mại nông sản, bản tin khuyến nông, khuyến công). Xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và khu, điểm du lịch; giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế. Hội Nông dân tỉnh phối hợp Bưu điện tỉnh đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử PostMart…

Hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP tham gia đăng ký thông tin, bán hàng qua trang thương mại điện tử, tham gia ứng dụng mua sắm trực tuyến: Sendo, Voso, Postmart, Tiki-BigC/GO, Shopee, Lazada; đưa 150 sản phẩm OCOP và nông sản lên trang web http://sanphamangiang.com (do Sở Công Thương thực hiện) và trang web http://ketnoiocop.vn. TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên, huyện Chợ Mới, Thoại Sơn thành lập chuyên trang quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch.

Thu hẹp khoảng cách số

An Giang có 10/10 bệnh viện công lập và tư nhân, 5/11 trung tâm y tế sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí và các giao dịch khác (chuyển khoản, POS). Nổi bật là tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, người bệnh được cung cấp “Thẻ y tế thông minh”. Kết quả thanh toán sẽ được ngân hàng cập nhật ngay lên hệ thống phần mềm quản lý của bệnh viện.

Hoạt động hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, tra cứu nghĩa vụ thuế, đăng ký thuế... bằng phương thức điện tử trên hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax, eTax Mobile) giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí. “Các thủ tục được thực hiện nhanh chóng. Nếu thời gian hao phí trước đây tính bằng giờ, bằng ngày thì nay tính bằng phút” - đại diện một DN cho biết.

Đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Hội Nông dân tỉnh, UBND xã Long Kiến (huyện Chợ Mới) và các đơn vị liên quan tập huấn; quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; phối hợp VNPT, Viettel, Mobifone An Giang, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Giang, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh huyện An Phú triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại huyện An Phú; “Tuyến phố không dùng tiền mặt” tại TP. Long Xuyên…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang phối hợp Sở Công Thương tập huấn triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên, huyện An Phú, Thoại Sơn, Chợ Mới… nhằm khuyến khích người dân tham gia thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh liên kết với Kho bạc Nhà nước, trường học, bệnh viện, điện lực, công ty cấp nước thực hiện chính sách thu hộ, khuyến khích khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến khi thanh toán viện phí, học phí, ăn uống, mua sắm, du lịch… Đồng thời, giới thiệu chính sách, sản phẩm của ngân hàng liên kết với sàn thương mại điện tử: Lazada, Shopee, Tiki… để tạo sự đa dạng, tiện ích, đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.

An Giang có 1,7 triệu người có tài khoản giao dịch qua ngân hàng; 143.622 ví điện tử được phát triển trên địa bàn tỉnh (trong đó, 70.000 ví điện tử VNPT money, 68.351 ví điện tử Viettel Money, 5.271 ví điện tử Mobifone money). Hỗ trợ đưa 3.770 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Kích hoạt 948.837 tài khoản định danh điện tử…

HỮU HUYNH