An Giang tập trung giải quyết việc làm và an sinh xã hội

09/02/2022 - 05:00

 - Thời gian qua, người lao động cả nước gặp tình trạng mất việc làm vì dịch bệnh; gây xáo trộn, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động. Đồng thời, làm gia tăng nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp, mà hệ thống an sinh xã hội hiện hành chưa phủ tới. Do vậy, trong năm 2022, ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) định hướng mới, quyết liệt hành động và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu về lao động, người có công và xã hội.

Cần nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề trong điều kiện sản xuất mới

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của người dân. Ước tính khoảng 5% bị mất việc làm; 32% phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất - kinh doanh; gần 50% bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. Đây là mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động.

Năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan, trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, thậm chí có chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, như: Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP và Nghị quyết 126/NQ-CP. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó hiệu quả hơn trong đại dịch.

Theo báo cáo, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP toàn quốc hơn 35.900 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 31,3 triệu lượt đối tượng. Triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP, đến nay giải quyết hưởng cho hơn 12,8 triệu lao động với hơn 30.500 tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa to lớn của tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh.

Tại An Giang, Sở LĐ-TB&XH phê duyệt hỗ trợ cho 300.603 người lao động (trong đó 209.589 lao động tự do), 7.681 hộ kinh doanh, số tiền gần 447 tỷ đồng; đã hỗ trợ 255.558 người (trong đó 185.456 lao động tự do), 1.662 hộ kinh doanh, hơn 324 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,9% xuống còn dưới 1%, đạt chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh. Toàn tỉnh trợ giúp thường xuyên tại cộng đồng trên 92.501 đối tượng, 100% đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí.

Tỉnh chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng và mai táng phí cho hơn 1 triệu lượt đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Trợ giúp đột xuất cho 305 hộ gia đình bị thiệt hại do hỏa hoạn, mưa giông, sạt lở... kinh phí trên 15 tỷ đồng. Trợ giúp xã hội trong dịp Tết Nguyên đán cho 152.015 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn và hộ có đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng, tổng số tiền trên 69 tỷ đồng. Sở LĐ-TB&XH An Giang tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ 3.362 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 224.152 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn khác do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19… 

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, sẽ còn tác động đến đời sống người dân. Do vậy, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), Sở LĐ-TB&XH tập trung xác định đúng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực ngay từ đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Đó là thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các hoạt động bảo trợ, trợ giúp xã hội, quan tâm thực hiện tốt chính sách người có công cách mạng, nâng cao mức sống của hộ người có công cách mạng ngang bằng với mức sống trung bình theo quy định; nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm.

Cùng với đó là thúc đẩy, tạo chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và quyền trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy; tiếp tục triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tích cực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính đạt hiệu quả, xây dựng và củng cố, giữ vững cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực chuyên môn và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát động toàn hệ thống giảm thủ tục, đẩy nhanh việc xử lý, giải quyết hồ sơ, chính sách các đối tượng phục vụ.

NGỌC GIANG