An Giang: Tập trung tăng tốc năm 2023

11/04/2023 - 05:36

 - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2023 của tỉnh An Giang cao hơn mức tăng cùng kỳ và cao hơn bình quân cả nước, được xem là cơ sở, động lực quan trọng để tỉnh tăng tốc trong năm nay, tạo đà hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Năm “bản lề” 2023 còn có ý nghĩa lâu dài cho An Giang khi nhiều công trình giao thông quan trọng được triển khai.

Kết quả phấn khởi

Bước sang năm 2023, nền kinh tế cả nước nói chung vẫn còn “ngấm đòn” ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân cả nước quý I/2023 tăng 3,32%, thấp hơn kỳ vọng. Nhiều tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 khá cao cũng có dấu hiệu “chựng” lại; hoạt động của doanh nghiệp nhìn chung còn nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) của An Giang có nhiều khởi sắc. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh 3 tháng đầu năm 2023 tăng 6,3% (theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê thì tăng 5,31%), đứng thứ 5 trong khu vực ĐBSCL; cả 3 khu vực đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2022.

Một trong những điểm sáng của An Giang là sản xuất nông nghiệp thuận lợi, giá bán và thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, nông dân “trúng mùa, trúng giá”. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi; giá cá tra nguyên liệu ổn định ở mức cao. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp từng bước khôi phục mạnh mẽ, quy mô sản xuất các sản phẩm chủ lực được mở rộng; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 9,71% cùng kỳ.

Từ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, hoạt động thương mại nhộn nhịp trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so cùng kỳ 2022. Quý I/2023, có khoảng 4 triệu lượt khách đến An Giang tham quan, du lịch, tăng 60%; kim ngạch xuất khẩu có nhiều thuận lợi, đạt 285 triệu USD, tăng gần 7,3%; thu ngân sách ước đạt 2.185 tỷ đồng, đạt gần 33% dự toán năm 2023…

Khắc phục hạn chế

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần lưu ý, như: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra (quý I/2023 mới đạt gần 8%, trong khi bình quân cả nước gần 11%); dịch bệnh sốt xuất huyết và tay-chân-miệng đang tăng trong cộng đồng; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và an toàn giao thông tăng cao hơn cùng kỳ...

Để khắc phục những hạn chế này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo đến cuối tháng 6 phải giải ngân đạt trên 50% tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ (tổng vốn năm 2023 là 8.123,65 tỷ đồng). Trong đó, đặc biệt quan tâm Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự án thành phần 1) vì dự án này chiếm đến 21,57% tổng vốn đầu tư công năm 2023, nếu thực hiện tốt sẽ đạt được tỷ lệ giải ngân lớn.

Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị huyện Châu Phú, Châu Thành nghiên cứu cách làm sáng tạo của TP. Châu Đốc và huyện Thoại Sơn (những địa phương có tuyến cao tốc đi qua) để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Dự kiến, lễ khởi công tuyến cao tốc sẽ được tổ chức tại TP. Châu Đốc (điểm đầu tuyến) giữa năm 2023, có mời lãnh đạo Trung ương về dự. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, hoàn thành các thủ tục để khởi công dự án. UBND TP. Châu Đốc được giao phối hợp các sở, ngành chuẩn bị tốt cho lễ khởi công.

“Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã thành lập 3 đoàn công tác, do 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra hàng tháng ở các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xử lý kịp thời. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần thành lập những tổ kiểm tra để thường xuyên kiểm tra, giám sát công trình, dự án, thúc đẩy tiến độ thực hiện. Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, khi các dự án được triển khai tốt sẽ có đóng góp tích cực vào tăng trưởng của tỉnh và các địa phương” - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Trước diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết và tay-chân-miệng phức tạp, ông Nguyễn Thanh Bình giao ngành y tế phối hợp các địa phương đồng loạt ra quân diệt muỗi, lăng quăng, vệ sinh trường lớp, nơi công cộng. Đồng thời, tập trung ngăn dịch cúm A/H5N1 qua biên giới, quản lý chặt chẽ đàn vịt chạy đồng…

Tận dụng thời cơ

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, năm 2023 là cơ hội để tỉnh bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ GRDP từ 7-7,5%, tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 và 2025 để đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020-2025.

Cùng với triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, ông Nguyễn Thanh Bình giao các sở, ngành, địa phương chuẩn bị tổ chức tốt hội nghị sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, khẩn trương thành lập tổ biên soạn KTXH, từ đó có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, đề ra giải pháp, quyết tâm chính trị để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc, giải trình tổ thẩm định, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển cho từng địa phương và của tỉnh.

Dự kiến tháng 7/2023, sẽ diễn ra kỳ họp quan trọng của HĐND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ngành khẩn trương chuẩn bị nội dung, tham mưu tờ trình; giải trình và trả lời đầy đủ kiến nghị của cử tri, chất vấn của HĐND đối với những vấn đề dư luận quan tâm.        

Từ nay đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có nhiều sự kiện quan trọng, như: Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng; khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; thông xe kỹ thuật đường tránh TP. Long Xuyên; Hội thảo quốc tế “Văn hóa Óc Eo”… Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp thực hiện tốt.

NGÔ CHUẨN