An Giang tập trung ứng phó, giảm nhẹ thiên tai

20/04/2023 - 06:16

 - Sau thời kỳ nắng nóng gay gắt, An Giang chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão, lũ. Từ nay đến cuối năm 2023, các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: Mưa lớn, giông lốc, sét đánh, ngập lụt, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch… rất dễ xảy ra. Do vậy, cần tập trung ứng phó trên tinh thần chủ động.

Nỗi lo thiên tai

Theo Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (ƯPBĐKH-PCTT&PTDS) tỉnh An Giang, năm 2022, tổng thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh hơn 34,1 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do sạt lở hơn 3,23 tỷ đồng, với 68 điểm sạt lở, sụt lún và răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, chiều dài 3.279m, ảnh hưởng 40 căn nhà.

Con số này cao hơn năm 2021 (43 điểm sạt lở, chiều dài 2.049m, ảnh hưởng 39 căn nhà). Sạt lở tập trung ở các huyện, thị xã, thành phố, như: Châu Phú 20 điểm, Phú Tân 15 điểm, An Phú 14 điểm, Tri Tôn 8 điểm, Tân Châu 5 điểm, Chợ Mới 3 điểm, Thoại Sơn 1 điểm, Long Xuyên 1 điểm.

Năm 2022, đã xảy ra 65 vụ mưa, giông, lốc, làm thiệt hại 591 căn nhà cùng nhiều tài sản, ước tổng thiệt hại 31,41 tỷ đồng. Mưa giông còn gây thiệt hại 410,3ha lúa, 190ha hoa màu và 3,86ha cây ăn trái, ước thiệt hại 20,6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 2 người chết do sét đánh (huyện Phú Tân), 4 người bị thương do giông lốc (huyện Châu Phú 3 người, huyện Chợ Mới 1 người).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, An Giang là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, là một trong 2 tỉnh (cùng với tỉnh Kiên Giang) có địa hình đặc thù là đồng bằng và đồi núi. Hàng năm, An Giang thường xuyên bị ảnh hưởng của 7 loại hình thiên tai: Lũ; sạt lở đất; mưa lớn; giông, lốc, sét; khô hạn; xâm nhập mặn; cháy rừng.

Mùa khô năm nay, tình hình nắng nóng kéo dài, ít mưa gây cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân một số xã của huyện Tri Tôn (Châu Lăng, Cô Tô, An Tức, Lê Trì) và TX. Tịnh Biên (An Cư, An Hảo, Văn Giáo, Vĩnh Trung, Nhơn Hưng, Thới Sơn). Nhờ hệ thống cống kiểm soát mặn vùng cửa sông tỉnh Kiên Giang nên nước mặn xâm nhập vào vùng giáp ranh tỉnh An Giang (huyện Thoại Sơn và Tri Tôn) không đáng kể, chưa ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Ghi nhận thời gian qua, có 95/156 xã, phường, thị trấn trên địa bàn An Giang thường xuyên bị ảnh hưởng của giông, lốc xoáy. Mùa mưa bão sắp tới, mưa lớn kèm theo giông, lốc, sét có thể tiếp tục gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân, cần chủ động đề phòng.

Trong khi đó, lũ đầu vụ năm 2023 có thể gây thiệt hại vụ hè thu; lũ chính vụ (tháng 9, tháng 10) có thể gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, cơ sở vật chất, nguy cơ gây đuối nước ở vùng đầu nguồn (huyện An Phú, TX. Tân Châu) và vùng Tứ giác Long Xuyên (TX. Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, Châu Phú…).

Nỗ lực ứng phó

Năm 2023, dự báo tình hình sạt lở, sụt lún đất ở các khu vực dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch chính như: Sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh Xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn… tiếp tục diễn biến phức tạp.

Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đã quan trắc, cảnh báo 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm, tổng chiều dài 181,45km. Trong khi đó, nắng nóng kéo dài, thời tiết khô hanh hiện tại vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng với tổng diện tích vùng trọng điểm cháy 7.368,6ha (rừng đồi núi và đồng bằng).

Nhằm chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&PTDS tỉnh An Giang đề nghị tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&PTDS các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, thành viên Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&PTDS các cấp thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình khí tượng thủy văn, thông tin đến các sở, ngành và địa phương để chủ động các phương án ứng phó. Đồng thời kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập bị sự cố, hư hỏng, sạt lở sau mùa mưa, lũ để sửa chữa, cải tạo, gia cố. Trên cơ sở cảnh báo sạt lở của Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, kể cả các tuyến kênh, rạch để kịp thời phát hiện, xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các huyện, thị xã, thành phố cần thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức các lực lượng tham gia phòng chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt là xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo Chỉ thị 18/CT-TTg, ngày 9/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và lực lượng công tác tìm kiếm cứu nạn các cấp. Từ đó, kịp thời chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong tình huống cấp bách, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu.

Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự các cấp trên địa bàn An Giang chỉ đạo tổ chức trực ban nghiêm túc để kịp thời xử lý các tình huống khi xảy ra thiên tai; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, sẵn sàng ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ”.


NGÔ CHUẨN