An Giang tháo gỡ điểm nghẽn, đột phá phát triển

28/11/2023 - 22:08

 - Khi tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), những điểm nghẽn cản trở An Giang phát triển cũng lần lượt được tháo gỡ, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đến năm 2025, tạo đà cho những mục tiêu dài hơi hơn, xứng đáng với những đóng góp của bao thế hệ cho vùng đất có truyền thống lâu đời.

Nỗ lực từ cơ sở

Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ cho biết, nghị quyết xác định 3 khâu đột phá, gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng nền hành chính hiện đại, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; khai thác lợi thế kinh tế biên mậu; phát triển nông nghiệp ứng dụng cao.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TX. Tân Châu lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), đã có 6/16 chỉ tiêu đạt và vượt, dự kiến đến cuối nhiệm kỳ sẽ đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt 68,2 triệu đồng, tăng 24,7% so năm 2020. Thị ủy Tân Châu đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, 6 chương trình hành động để thực hiện 3 khâu đột phá. Với khâu đột phá thứ nhất, Thị ủy Tân Châu ban hành Chương trình hành động 06-CTr/TU về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng tiêu chuẩn thành phố; phấn đấu được công nhận là TP. Tân Châu trước năm 2030.

TX. Tân Châu đã lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2045. Theo đó, quy hoạch mở rộng địa giới hành chính đô thị tại các xã Phú Vĩnh, Long An, Tân An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, đảm bảo tính liền mạch của đô thị, hình thành 2 trục phát triển, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ngoài nâng cấp 5 xã lên thành 5 phường, TX. Tân Châu còn đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khu đô thị mới với diện tích khoảng 100ha; triển khai nhiều dự án quan trọng; thực hiện đạt và vượt kế hoạch đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng các hẻm trong đô thị…

“Nửa nhiệm kỳ còn lại, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, như: Hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TX. Tân Châu đến năm 2045; lập điều chỉnh quy hoạch quản lý kiến trúc TX. Tân Châu; điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị TX. Tân Châu đến năm 2045; hoàn thành lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của 5 phường; Đề án đề nghị thành lập TP. Tân Châu và các phường trực thuộc…” - Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ thông tin.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của huyện đạt 12,13%, tăng 0,58% so nhiệm kỳ trước; thu nhập bình quân đầu người ước cuối năm 2023 là 56,82 triệu đồng/người/năm; có 7/18 chỉ tiêu đạt, vượt so Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tri Tôn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 -2025) đề ra, 9/18 chỉ tiêu đạt từ trên 50% đến 99%; tiến độ xây dựng nông thôn mới được đảm bảo theo đúng lộ trình.

Trong định hướng phát triển chung của huyện, bên cạnh phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế nông nghiệp làm động lực, phát triển kinh tế công nghiệp và xây dựng làm nền tảng, Tri Tôn rất chú trọng phát triển lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Trong đó, phát triển du lịch được đặc biệt quan tâm với định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nhiều công trình, hạng mục làm điểm nhấn; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, vui chơi giải trí, hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan. Đi đôi với đầu tư phát triển du lịch, huyện còn đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, cảnh quan môi trường ở nông thôn, quyết tâm xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa ở mỗi cơ quan, đơn vị và từng gia đình lành mạnh, xây dựng hình ảnh Tri Tôn thân thiện, nghĩa tình, mến khách” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm nhấn mạnh.

Đột phá giao thông

Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch là một trong 3 khâu đột phá quan trọng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Để thưc hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương hành động 09-CTr/TU, ngày 29/10/2021 về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án, công trình trọng điểm tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh ban hành Quyết định 1703/QĐ-UBND, ngày 5/7/2022 về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương hành động 09-CTr/TU. UBND tỉnh còn ban hành Quyết định 2605/QĐ-UBND, ngày 8/11/2021 phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch giao thông đường bộ và đường thủy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng hiện đại, đồng bộ với mạng lưới giao thông cấp vùng và khu vực; ban hành Chương trình hành động 300/CTr-UBND, ngày 4/6/2021 về phát triển hạ tầng du lịch nhằm tập trung triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng và liên kết các huyện, thị xã, thành phố.

Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn phân bổ cho 69 dự án hạ tầng giao thông chiếm gần 50% so tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh (17.691/35.405 tỷ đồng). Giám đốc Sở Giao thông vận tải Ngô Công Thức cho biết, tỉnh đang tập trung thực hiện các dự án trọng điểm hạ tầng giao thông từ nguồn ngân sách Trung ương, như: Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua tỉnh An Giang dài 57km); dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP)…

Để khai thác hiệu quả cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh đã đề xuất dự án tuyến nối từ điểm đầu cao tốc đến cửa khẩu Tịnh Biên và cửa khẩu Khánh Bình. Đồng thời, xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ  TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; nâng cấp, mở rộng các tuyến Đường tỉnh 941, 943, 955B, 946, 948, 949… và hàng trăm cầu, đường giao thông nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn.

Cầu thị lắng nghe, thu hút đầu tư

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là cơ sở pháp lý quan trọng và định hướng phát triển An Giang về lâu dài.

Trong nỗ lực thu hút đầu tư, tỉnh đã hỗ trợ nhà đầu tư khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô lớn nhất Châu Á và Nhà máy công nghệ may mặc Spectre của Đan Mạch, quy mô 11 triệu USD. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vàm Cống, quy mô 193,3ha; công bố thành lập TX. Tịnh Biên.

Nửa nhiệm kỳ qua, An Giang đã thu hút được 34 dự án đầu tư trong nước và 3 dự án đầu tư nước ngoài; đăng ký thành lập mới thêm 2.429 doanh nghiệp (DN). Tỉnh còn tổ chức thành công những sự kiện lớn, như: Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL năm 2023; Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ V; các mô hình hội chợ OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), Hội chợ hàng Việt Nam - Thái Lan…

Trong nỗ lực phát triển, việc “Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” và “Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” là 2 khâu đột phá tiếp theo, sau đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã triển khai Kế hoạch 74-KH/TU, ngày 11/3/2019 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh An Giang đến năm 2025.

Tỉnh tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực; nâng cao năng lực cán bộ thực thi. Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, liêm chính, dân chủ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ so nhiệm kỳ 2015 - 2020, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức còn xây dựng được bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng; có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với Nhân dân; trình độ, kiến thức và năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, trình độ lý luận chính trị ngày càng được nâng cao.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, thủ tục hành chính các cấp của tỉnh được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và chi phí, đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, tạo thuận lợi cho người dân và DN. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh là 2.059 thủ tục, trong đó, dịch vụ công mức độ 3, 4 chiếm 77% (1.586 dịch vụ). 100% hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết tại các đơn vị, địa phương được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, DN có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại, tham gia “Cà-phê doanh nghiệp” để đồng hành, lắng nghe DN. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, lấy thành công, sự hài lòng của DN làm phương châm hành động. Từ đó, cải thiện và nâng điểm, nâng hạng các Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xây dựng hình ảnh An Giang năng động, thân thiện, hấp dẫn nhà đầu tư.

NGÔ CHUẨN – MINH HIỂN