An Giang triển khai Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

21/12/2020 - 07:43

 - Khi thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021, giống như bước “chạy đà” tốt cho cả giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết HĐND tỉnh An Giang đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 từ 6%-6,5%. Đây là mức tăng trưởng đòi hỏi nhiều nỗ lực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tìm "cơ trong nguy"

Nếu coi đại dịch COVID-19 là một mối nguy thường trực thì vấn đề không mong muốn này cũng tạo ra những thời cơ mới nếu An Giang cũng như cả nước tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều quốc gia còn gặp khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh thì Việt Nam nổi lên như điểm sáng trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài. An Giang với thế mạnh nông nghiệp, có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các thị trường đang thiếu lương thực, thực phẩm cũng như thị trường trong nước theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước, việc Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) có hiệu lực cũng như Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mở ra cho An Giang nhiều cơ hội và thị trường, nhất là các mặt hàng chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp.

Từ khi cầu Vàm Cống hoàn thành, đưa vào sử dụng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho An Giang phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương với các địa phương khác. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch, khu vui chơi, giải trí của tỉnh tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện, góp phần tăng trưởng ngành du lịch và dịch vụ của tỉnh.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát triển KT-XH năm 2021

Sau gần 5 năm triển khai, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bắt đầu có hiệu ứng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cũng đạt nhiều kết quả, góp phần tích cực trong phát triển KT-XH của tỉnh. Trong khi đó, những dự án lớn được các nhà đầu tư khởi công, triển khai thực hiện, sẽ tạo ra động lực, sức lan tỏa trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước cho biết, năm 2021 và những năm tiếp theo, An Giang xác định mục tiêu là tập trung khai thác lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. An Giang sẽ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến. Tỉnh cũng tập trung ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông…

Phát huy trách nhiệm

Năm 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch KT-XH 5 năm (2021-2025), có ý nghĩa quan trọng trong việc “tạo đà” tăng trưởng cao và bền vững cho cả giai đoạn mới. Trước những khó khăn, thách thức và thuận lợi đan xen, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 theo hướng tích cực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Qua đó, đẩy mạnh phát triển KT-XH của tỉnh một cách bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025).

Trao đổi tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, năm 2021, An Giang vẫn xem công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ hàng đầu, trong tâm thế sẵn sàng “chống dịch như chống giặc”, đồng thời thực hiện song song với nhiệm vụ phát triển KT-XH. Tỉnh xác định tăng trưởng kinh tế phải hài hòa với phát triển xã hội, không đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá.

“Điển hình như tại Khu công nghiệp Xuân Tô (Tịnh Biên), có doanh nghiệp đặt vấn đề đầu tư 20.000 tỷ đồng vào dự án xây dựng nhà máy nhuộm vải sợi. Nếu triển khai dự án có giá trị gần 1 tỷ USD này, sẽ đóng góp vào nguồn thu khá lớn cho An Giang nhưng lãnh đạo tỉnh không chấp thuận bởi nhuộm vải sợi sẽ gây tác động xấu tới môi trường, không thể đánh đổi tăng trưởng với sức khỏe nhân dân” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cho biết, ngay sau kỳ họp HĐND cuối năm 2020, UBND tỉnh sẽ triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 song song với triển khai 5 chương trình hành động đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Đây là nỗ lực nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn của nhiệm kỳ 2015-2020, thúc đẩy KT-XH phát triển, thu hút đầu tư mạnh mẽ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nâng cao vai trò trách nhiệm trong hỗ trợ doanh nghiệp, không đùn đẩy, bỏ ngỏ khi doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đối với những nội dung mà cử tri và đại biểu HĐND quan tâm chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cam kết sẽ có hành động cụ thể để giải quyết những nội dung bức xúc như: mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 958, phục vụ các nhà đầu tư lớn trên địa bàn huyện Tri Tôn; đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải; rà soát hiệu quả các trường nghề địa phương, tập trung nguồn lực cho Trường Cao đẳng Nghề An Giang; tháo gỡ vướng mắc dự án kiểm soát lũ Tây Sông Hậu trên địa bàn huyện Thoại Sơn, Châu Thành và dự án nhân rộng “Cánh đồng lớn” trên địa bàn huyện Châu Phú; hỗ trợ đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch đến các vùng nông thôn, ít dân cư… Qua đó, tạo động lực cho phát triển KT-XH năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2021: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6-6,5%; GRDP bình quân đầu người là 50,665-50,914 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội là 28.799-29.171 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 965 triệu USD; thu ngân sách 6.863 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 43,91%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân 66,5%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,2%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế 91%; có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có 20% cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử…

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN