An Giang trồng tràm giảm tác động của biến đổi khí hậu

07/02/2023 - 06:52

 - Biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động đối với thiên tai, con người, cây trồng, vật nuôi, môi trường, hệ sinh thái; tác động đối với nông nghiệp và an ninh lương thực, đồng thời tác động đối với lâm nghiệp, nhất là ảnh hưởng xấu đến rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn...

Thực hiện Quyết định 524/QĐ-TTg, ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”; đồng thời, triển khai Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giao Trung tâm Truyền thông TN&MT phối hợp Tập đoàn Panasonic Việt Nam tổ chức Chương trình trồng rừng và phục hồi rừng, trong đó có địa bàn tỉnh An Giang. Qua trao đổi, đoàn công tác quyết định chọn khảo sát trồng rừng đặc dụng tại rừng tràm Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) với diện tích dự kiến 5ha, cây trồng là tràm nội.

Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến có tổng diện tích 256,39ha. Trong đó, diện tích tràm trồng là 7,88ha, tràm tái sinh 74,14ha, trảng cỏ ngập nước theo mùa 169,73ha và bờ kênh là 4,64ha. Khu rừng trước đây được giao cho Lâm trường Bưu điện quản lý từ năm 1998. Từ năm 2020 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh được giao quản lý khu bảo vệ cảnh quan này.

Tràm trồng 2 năm tuổi tại rừng tràm Tân Tuyến

Môi trường sinh thái của đầm rừng tràm Tân Tuyến chịu tác động mạnh mẽ của lũ từ sông Mekong và từ phía Campuchia, thuộc vùng ngập lũ sâu (khoảng 2,5-3m) của vùng phèn Tứ giác Long Xuyên. Hàng năm, khi mùa mưa đến, nước sông Mekong theo các kênh, rạch mang nước lũ, có nguồn phù sa giàu dinh dưỡng và tài nguyên sinh vật tràn vào nội đồng.

Về thổ nhưỡng của khu vực này thuộc loại đất phèn trung bình, hàng năm đều được phù sa bồi đắp, độ pH từ 4,5-5,5. Thành phần cơ giới là đất thịt pha sét có hàm lượng mùn trung bình. Dạng địa hình trũng, có thời gian ngập nước thường từ 6-8 tháng trong năm. Cây tràm thích hợp với dạng địa hình này. Sinh cảnh rừng tràm trồng là nơi cư trú rất tốt cho nhiều loài chim, như: Cú mèo khoang cổ, cú muỗi đuôi dài… hay làm chỗ ngủ cho vạc.

Tràm là loài cây phổ biến ở các vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trên thế giới, tràm có khoảng 260 giống, tập trung chủ yếu ở Australia với khoảng 200 loài. Ở Việt Nam, chỉ ghi nhận 1 loài duy nhất là Melaleuca cajuputi phân bố tập trung ở khu vực ĐBSCL.

Cây tràm thích nghi với điều kiện phèn, ngập nước. Trong các khu vực đất ngập nước, rừng tràm đóng vai trò chứa nước, hệ thống lọc phèn, bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài chim và thủy sản. Bên cạnh đó, rừng tràm đóng vai trò quan trọng trong hấp thụ khí Carbon dioxide (CO2) và cung cấp oxygene (O2) cho khí quyển, giúp điều hòa khí quyển, cải thiện điều kiện vi khí hậu.

Theo Ban thư ký Công ước Ramsar (Công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế), khả năng hấp thụ CO2 của các khu vực đất ngập nước có thể cao gấp 55 lần rừng nhiệt đới. Theo các nhà khoa học thì khả năng hấp thụ CO2 của cây tràm khoảng 200 tấn/ha đối với cây dưới 10 năm tuổi (mật độ 4.550 cây/ha) và 250 tấn/ha với cây trên 10 năm tuổi (mật độ 3.510 cây/ha).

Ngày Đất ngập nước Thế giới (2/2/2023) đã diễn ra với chủ đề “Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay - Hơn 35% diện tích đất ngập nước tự nhiên đã bị mất trong 50 năm qua. Lựa chọn, tiếng nói và hành động của bạn thúc đẩy xu hướng phục hồi đất ngập nước”. Thông điệp này nhằm nêu bật nhu cầu cấp thiết phải ưu tiên phục hồi các vùng đất ngập nước và kêu gọi tất cả mọi người thực hiện các hành động để phục hồi đất ngập nước bị suy thoái.

Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh đã thống nhất nội dung trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phối hợp với Trung tâm Truyền thông TN&MT (thuộc Bộ TN&MT) tổ chức trồng rừng đặc dụng tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến. Theo đó, tổ chức trồng 5ha tràm nội với mật độ 20.000 cây/ha trong tháng 1/2023.

Trồng tràm tại rừng tràm Tân Tuyến

Theo tính toán của các nhà khoa học, với 5ha tràm trồng, trong 5 năm tới, dự tính lượng CO2 hấp thu khoảng 600 tấn; 10 năm tới sẽ hấp thu 1.200 tấn CO2. Nỗ lực này góp phần điều hòa khí hậu, thiết thực hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới hàng năm.

Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến là một mẫu cảnh quan của vùng Tứ giác Long Xuyên, bên cạnh Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Hệ sinh thái đất ngập nước ở đây đa dạng sinh học cao. Việc bảo vệ, tái tạo và sử dụng khôn ngoan tài nguyên đa dạng sinh học và những giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn của vùng đất ngập nước này đang được tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm.

Đây là cơ sở để bảo vệ và tái tạo các giá trị, chức năng của hệ sinh thái đất ngập nước trong đầm rừng; cũng là cơ sở để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội của vùng biên giới. Đồng thời, góp phần phát triển du lịch sinh thái ở vùng này, khi mở rộng các tuyến du lịch vùng đồi núi huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

P.V