An Giang vực dậy lợi thế thủy sản

13/07/2023 - 06:41

 - Do tác động thị trường, xuất khẩu cá tra của An Giang 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, khó khăn chỉ là tạm thời, bởi nhu cầu tiêu dùng của thế giới vẫn lớn. Cần đa dạng hóa các loài thủy sản để đáp ứng thị trường nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu cá nước ngọt nguyên con sang Campuchia, khi nước này hạn chế khai thác thủy sản tự nhiên.

Nhu cầu tiêu thụ nội địa đối với các loại cá chợ là khá lớn

Duy trì sản xuất

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Anh Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thu hoạch thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 1.045ha, tăng 10% so cùng kỳ 2022. Trong đó, thu hoạch cá tra 647ha, tăng 17,6%; các loại cá khác (rô, trê, lóc…) 190ha, tăng 31% (tăng 45ha); các loại thủy sản khác (lươn, ếch, baba…) 15ha, tăng 44,4%. Đối với diện tích thu hoạch giống cá tra, đạt 553ha, tăng 4,7% so cùng kỳ 2022.

Theo Cục Thống kê, ước tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đạt 350.300 tấn, tăng 32.000 tấn so cùng kỳ 2022, gồm: Sản lượng cá tra thu hoạch khoảng 310.500 tấn, tăng 27.800 tấn (vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm 64,5%); các loại cá khác hơn 39.500 tấn, tăng 3.800 tấn... Do hoạt động nuôi trồng thủy sản tăng nên số lượng con giống sản xuất trong 6 tháng ước khoảng 3,7 tỷ con, tăng 133 triệu con. Đối với sản lượng khai thác, đạt 8.300 tấn, tăng 70 tấn so cùng kỳ 2022.

Dù xuất khẩu thủy sản 6 tháng có giảm 2,75% về sản lượng (đạt 60.000 tấn) và giảm 1,94% về kim ngạch (đạt 154,3 triệu USD) nhưng nhìn chung, tình hình xuất khẩu thủy sản ổn định ở các thị trường truyền thống, chiếm tỷ trọng cao nhất là Châu Á (hơn 50%), kế đến là Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Đại Dương và Châu Phi. Với sự phục hồi của thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc, dự báo nhu cầu nhập khẩu thủy sản đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ tăng.

Ngoài cá tra, các loài thủy sản nuôi của An Giang (cá lóc, rô, trê, điêu hồng, nàng hai, rô phi, lươn, ếch…) có thị trường tiêu thụ lớn ở Campuchia. Ghi nhận 6 tháng đầu năm, hộ kinh doanh xuất khẩu thủy sản nguyên con qua Campuchia đạt 21.400 tấn, tương đương 31,4 triệu USD.

Tình hình xuất khẩu thủy sản qua 4 cửa khẩu (Khánh Bình, Bắc Đai, Tịnh Biên, Vĩnh Xương) sang Campuchia đạt từ 150 - 200 tấn/ngày. Nguồn cung thủy sản Campuchia vốn phụ thuộc chủ yếu vào khai thác tự nhiên, hiện đang bị hạn chế và cấm khai thác để bảo vệ cá mùa sinh sản và cá non, nên nhu cầu nhập khẩu cá nuôi từ An Giang càng lớn.

Phục hồi và phát triển

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Anh Dũng, 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng ngành thủy sản mới chỉ đạt 41,84% so kế hoạch năm. Nguyên nhân, từ nửa đầu quý II, trong bối cảnh lạm phát, các thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra chậm mua hàng, khiến lượng tồn kho nhiều, giá bán cá tra nguyên liệu giảm từ 1.500-3.500 đồng/kg, giá cá giống giảm 7.000-10.000 đồng/kg so đầu năm. Giá cá tra giống hiện ở mức 28.000 - 32.000 đồng/kg (30-35 con/kg); giá cá tra thương phẩm 26.000 - 28.000 đồng/kg (0,8 - 1,2kg/con).

Bù lại, các loại cá nuôi khác tăng giá, sản lượng thu hoạch cũng tăng mạnh so cùng kỳ 2022. Hiện, cá lóc có giá 55.000 - 57.000 đồng/kg, điêu hồng 45.000 - 47.000 đồng/kg, cá trê 42.000 - 45.000đồng/kg; cá nàng hai 60.000 - 65.000 đồng/kg, cá chim 19.000 - 22.000 đồng/kg...

Ngoài xuất khẩu sang Campuchia, các loại cá này cũng được tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa, thông qua các chợ đầu mối, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi. Nhiều hộ đang chuyển sang nuôi các loài thủy sản này để tăng giá trị.

Ông Dũng cho biết, thời gian tới, ngành thủy sản tiếp tục đẩy mạnh phát triển các đối tượng tiềm năng có khả năng xuất khẩu sang thị trường Campuchia và các loài đặc sản có giá trị kinh tế cao. Với cá tra, được xác định là loài thủy sản chủ lực, ngành chuyên môn tỉnh tăng cường kiểm tra, phân loại, đánh giá điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cơ sở nuôi cá tra thương phẩm, đảm bảo kiểm soát mối nguy tồn lưu dư lượng kháng sinh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn tỉnh.

 An Giang tiếp tục phát triển các vùng nuôi tập trung, vùng chuyên canh sản xuất cá tra thương phẩm ứng dụng công nghệ cao, áp dụng khoa học - kỹ thuật, quản lý cơ sở theo các tiêu chuẩn quốc tế (ASC, BAP) để hạn chế dịch bệnh và hao hụt, giảm chi phí sản xuất, tăng cạnh tranh của sản phẩm.

Cùng với triển khai các chính sách ưu đã thu hút, mời gọi đầu tư, tỉnh còn xúc tiến, vận động doanh nghiệp thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm, gắn kết chặt chẽ các hộ nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cộng đồng trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình sản xuất…

Năm 2023, ngành thủy sản đặt kế hoạch sản xuất 603.000 tấn, trong đó cá tra khoảng 500.000 tấn, tăng gần 42.000 tấn so năm 2022. Giá cá tra được kỳ vọng sẽ tăng trở lại, khi nhu cầu thị trường thế giới phục hồi.


NGÔ CHUẨN