An Giang xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện

15/06/2023 - 07:19

 - Năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI tỉnh An Giang đạt 62,37 điểm, giảm 4,11 điểm, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố cả nước; giảm 37 bậc so năm 2021. So với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, An Giang đứng thứ 10/13, giảm 6 bậc so năm 2021. Chỉ số PCI An Giang giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan, có thể nhận diện để đề ra giải pháp khắc phục.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư

Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trang Công Cường phân tích: “Qua quan sát kết quả PCI từ năm 2006 đến nay, có thể nhận thấy điểm số và thứ hạng PCI tỉnh An Giang chưa đồng đều, điều đó cho thấy môi trường kinh doanh của tỉnh chưa thật sự ổn định. Chỉ số PCI An Giang giảm sâu nguyên nhân chủ yếu do: Các sở, ban, ngành tỉnh được giao chủ trì, phụ trách các chỉ số thành phần chưa thật sự chủ động, chưa đề xuất hoặc thực hiện chưa tốt những giải pháp, nhiệm vụ được giao trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”.

Ông Cường cho rằng, trong 6 chỉ số giảm điểm, giảm hạng có đến 5 chỉ số có trọng số cao (từ 10 - 15%), 1 chỉ số có trọng số 5%, tổng cộng chiếm tỷ lệ 70% trên tổng số điểm PCI, như: Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, có trọng số 10% (do Tòa án nhân dân tỉnh chủ trì phụ trách) giảm 54 bậc; chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), có trọng số 15% (do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh chủ trì, phụ trách) giảm 35 bậc; chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, có trọng số 15% (do Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phụ trách) giảm 22 bậc; chỉ số đào tạo lao động, có trọng số 10% (do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phụ trách) giảm 17 bậc; chỉ số chi phí không chính thức có trọng số 15% (do Thanh tra tỉnh chủ trì, phụ trách) giảm 6 bậc; chỉ số tính minh bạch, có trọng số 5% (do Sở Tư pháp chủ trì, phụ trách), giảm 12 bậc, xếp thứ 22 cả nước.

Ngoài ra, còn do các sở, ban, ngành tỉnh chưa tích cực tham mưu lãnh đạo tỉnh cách làm hay, mô hình tốt về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) một số lĩnh vực thông thường chậm so thời gian quy định. Các thông tin về quy hoạch và các tài liệu pháp lý khác chưa được công khai thông tin đầy đủ, chưa thật sự hữu ích cho việc tra cứu, tìm hiểu thông tin của DN.

Thậm chí, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; việc “hỏi ý kiến cấp trên” dần trở nên phổ biến... Điều đó làm chậm quá trình giải quyết vấn đề của DN. Một số vấn đề của DN trước đây được nhanh chóng giải quyết, nhưng nay các vấn đề tương tự sẽ không được giải quyết nếu có 1 cơ quan, đơn vị không đồng thuận hoặc có ý kiến chung chung, không nêu rõ quan điểm của mình.

Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh đối với những ngành, lĩnh vực khác. Công tác phối hợp thực thi công vụ của một số sở, ngành đôi lúc thực hiện chưa nghiêm túc theo chỉ đạo. Một số đơn vị khi được lấy ý kiến chậm trả lời, nên các vấn đề của DN chậm được giải quyết. Hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ thực thi công vụ có liên quan đến việc thực hiện một số TTHC và thanh, kiểm tra ở một số lĩnh vực còn phổ biến. Vẫn còn tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm nên một số sở, ban, ngành tỉnh chưa tích cực tham mưu giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc của DN.

Xây dựng chính quyền thân thiện - phục vụ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước chỉ rõ: Sau 4 năm liên tiếp tăng điểm và tăng hạng, năm 2022, chỉ số PCI An Giang giảm sâu. Điều này cho thấy, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo rất nặng nề và cấp bách, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực và vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ thống nhất của các sở, ngành và các cấp chính quyền, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành thực hiện nghiêm việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ phận, cơ quan, địa phương. Tập trung bám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội; tích cực nghiên cứu giải quyết hoặc tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết nhanh nhóng, kịp thời, có hiệu quả các “vấn đề vướng mắc” của DN, nhà đầu tư. Rà soát, đánh giá những bộ phận, quy trình có liên quan nào thực hiện chưa tốt để điều chỉnh, sửa đổi phù hợp công việc, giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, nhất là những lĩnh vực có liên quan trực tiếp người dân và DN.

Các cấp, ngành, chính quyền tăng cường đồng hành, chia sẻ, giao lưu gặp gỡ và đối thoại để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho DN và các nhà đầu tư. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành và thực thi công vụ của bộ máy chính quyền. Rà soát lại toàn bộ TTHC để cắt giảm những thủ tục rườm rà, không cần thiết. Khẩn trương thực hiện cải thiện TTHC, môi trường kinh doanh.

Sở KH&ĐT đề xuất UBND tỉnh An Giang tổ chức học tập kinh nghiệm cách làm hay, mô hình tốt về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tham mưu UBND tỉnh tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn các cán bộ, công chức nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp và phục vụ hành chính, xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện - phục vụ. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát huy vai trò là cầu nối giữa cộng đồng DN và chính quyền; chủ động tham vấn chính sách, hiến kế cho tỉnh cách làm hay, hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong cộng đồng DN.

HẠNH CHÂU