An Giang: Xuất khẩu tiếp tục khởi sắc

29/09/2022 - 07:30

 - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp (DN) ở An Giang đã cố gắng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Từ đó, xuất khẩu của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, hồi phục mạnh mẽ. Các sản phẩm chế biến từ nông, thủy sản tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành hàng chủ lực gạo và thủy sản.

Tháng 8/2022, ước kim ngạch xuất, nhập khẩu của An Giang đạt 116,55 triệu USD, tăng 0,13% so tháng 7 và tăng 24,59% so cùng kỳ 2021. Cộng dồn 8 tháng của năm 2022, kim ngạch đạt 891,95 triệu USD, tăng 11,72% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 760,37 triệu USD, tăng 10,98% so cùng kỳ.

Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của An Giang đều tăng ấn tượng. 8 tháng của năm 2022, gạo xuất khẩu 384.940 tấn, tương đương 209,12 triệu USD, tăng 12,03% về lượng và tăng 12,66% về kim ngạch so cùng kỳ; thủy sản đông lạnh xuất khẩu 130.770 tấn, tương đương 274,94 triệu USD, tăng 12,48% về lượng và tăng 13,36% về kim ngạch; rau quả đông lạnh xuất khẩu đạt 43.000 tấn, tương đương 19 triệu USD, tăng 9,92% về lượng và tăng 9,5% về kim ngạch; hàng dệt may xuất khẩu đạt 100 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ.

Chế biến rau quả xuất khẩu

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) Nguyễn Hoàng Minh thông tin: “Dù trong điều kiện khó khăn sau dịch COVID-19 và thị trường quốc tế, nhưng với sự nỗ lực vượt bậc, đến nay mục tiêu sản xuất - kinh doanh của Antesco năm 2022 đã hoàn thành. Những tháng còn lại, công ty tập trung xây dựng kết nối để đạt mục tiêu năm 2023”.

Theo đó, năm 2022, Antesco đặt mục tiêu doanh số 480 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 18 tỷ đồng. Gần 9 tháng qua, công ty đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 36 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 480 tỷ đồng, sản lượng rau quả tiêu thụ 12.000 tấn, doanh số vượt trên 20%.

Dự kiến 2023, công ty đạt sản lượng 17.000 tấn rau quả, doanh số 600 tỷ đồng, lợi nhuận 45-50 tỷ đồng. Ngoài các thị trường truyền thống, Antesco đã đàm phán hợp tác song phương, ký độc quyền xuất khẩu sang thị trường mới là Vương quốc Anh năm 2023 với sản lượng 6.000 tấn rau quả, tương đương 15 triệu USD.

Để giữ vững thương hiệu, uy tín, Antesco hoạch định vùng trồng và các tiêu chuẩn khắt khe của nông sản. Công ty đã ký kết với huyện Chợ Mới, Phú Tân xây dựng 2 mặt hàng chiến lược là bắp non và đậu nành rau.

“Chúng tôi cam kết với các huyện đến năm 2025, Antesco đồng hành với nông dân sản xuất - tiêu thụ 60-75% diện tích đất trồng, tiến tới phát triển đầu ra vùng xoài An Phú, Chợ Mới, Phú Tân. Năm 2022, công ty mở rộng, nâng cấp công nghệ các nhà máy Mỹ An, Bình Long với kinh phí 150 tỷ đồng. Đến 2025, tiếp tục nâng cấp cơ sở sản xuất, đầu tư hạ tầng công nghệ 550 tỷ đồng” - ông Minh chia sẻ.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nam Việt Đỗ Lập Nghiệp thông tin: “Đầu năm đến nay, thị trường cá tra tiêu thụ rất tốt, DN phát triển xuất khẩu tăng 30% so cùng kỳ, sản phẩm cá tra đến khắp các nước trên thế giới. Thị trường chính của Nam Việt là Trung Quốc, Nam Mỹ, Hoa Kỳ, Châu Âu. Năm 2022, Nam Việt đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 509,9 tỷ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận”.

Mới đây, gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã chính thức lên kệ của 2 hệ thống đại siêu thị là Carrefour (hệ thống đại siêu thị lớn nhất Châu Âu) và Leclerc (hệ thống đại siêu thị hàng đầu tại Pháp). Đây là bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo của Lộc Trời, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

 Gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” của Tập đoàn Lộc Trời đã lên kệ của 2 hệ thống đại siêu thị tại Pháp

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận chia sẻ: “Tháng 9/2020, Lộc Trời là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo vào Châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA). Trong 2 năm qua, Lộc Trời đã bán hơn 80.000 tấn gạo các loại vào thị trường này.

Tháng 9/2022, Lộc Trời trở thành DN đầu tiên, tiên phong chủ động và tự tin bước vào “sân chơi quốc tế”, bằng việc bán gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn là “Cơm ViệtNam Rice” vào Carrefour và Leclerc - 2 hệ thống phân phối hàng đầu với tổng cộng gần 800 đại siêu thị, hơn 3.000 siêu thị cùng chuỗi cửa hàng tiện tích trên toàn nước Pháp”.

Theo ông Thuận, đó là kết quả sau rất nhiều thời gian làm việc với các đối tác quốc tế và trực tiếp xây dựng thương hiệu để tiếp cận với hệ thống bán lẻ đại siêu thị, phân khúc cuối cùng của hệ thống phân phối bán lẻ phức tạp bậc nhất Châu Âu. Để thực hiện được việc này, gạo Lộc Trời phải đáp ứng những yêu cầu cao nhất mà thị trường Châu Âu yêu cầu về quy trình canh tác, bộ sản phẩm bảo vệ cây trồng đạt chuẩn...

“Cảm xúc của bà con kiều bào xa xứ khi nhìn thấy gói gạo từ quê nhà có hình chữ S đỏ thắm trên thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice”, sự thích thú, háo hức của khách nước ngoài khi nếm thử hạt cơm thơm dẻo nấu từ gạo Lộc Trời giúp chúng tôi có thêm động lực, đưa thêm nhiều sản phẩm Việt Nam đến với người tiêu dùng khắp thế giới” - ông Thuận nhấn mạnh.

Ông Philipp Roesler (nguyên Phó Thủ tướng Đức, thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời, lãnh sự danh dự Việt Nam tại Zurich) cho biết, ông sẽ gia tăng nỗ lực kết nối để cùng các lãnh đạo điều hành của tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm gạo chủ lực từ giống lúa độc quyền Lộc Trời 28, Jasmine, OM18… đưa vào các hệ thống siêu thị rộng khắp các nước Châu Âu trong thời gian tới.

HẠNH CHÂU