Căn cứ tình hình khí tượng, thủy văn, thời gian xuống giống theo từng tiểu vùng của vụ trước; diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, rầy nâu vào bẫy đèn trong và ngoài tỉnh… Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện An Phú khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ thu đông từ ngày 1 - 31/8/2023 (nhằm ngày 15/6 đến 16/7 âm lịch). Trong đó, lịch xuống giống tập trung né rầy từ ngày 5 - 20/8/2023 (nhằm ngày 19/6 - 5/7 âm lịch).
Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Phú Phùng Thế Vinh cho biết: “Về cơ cấu giống lúa, căn cứ số liệu theo dõi tình hình giá lúa của Sở NN&PTNT khuyến cáo, các giống lúa: Đài Thơm 8, OM5451, OM18, Cửu Long 555… thời gian qua được doanh nghiệp (DN) thu mua giá cao, có xu hướng tăng. Do đó, các địa phương trên địa bàn khuyến cáo nông dân sản xuất các giống này trong vụ thu đông. Diện tích áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” là 2.918ha (chiếm 65% diện tích xuống giống) và “3 giảm, 3 tăng” diện tích 3.816ha (chiếm 85% diện tích). Đối với sản xuất rau màu, vụ thu đông dự kiến xuống giống khoảng 589ha (trong đó cây màu 439ha, rau dưa các loại 150ha). Đối với cây ăn trái, toàn huyện có 2.048ha, dự kiến đến cuối năm khoảng 2.100ha.
Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện An Phú
Vụ thu đông xuống giống trong điều kiện thời tiết mưa bão nhiều, dự báo xuất hiện sâu, bệnh hại: Chuột, rầy nâu, muỗi hành, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt… Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Thị Phướng cho biết, huyện tập trung thực hiện Quyết định 73/QĐ-TT-VPPN, ngày 25/4/2022 của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) về ban hành Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL; rà soát đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng lúa (code) đối với các vùng đã có hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) chưa được cấp mã số.
Ngành chuyên môn lưu ý, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch xuống giống lúa vụ thu đông phù hợp với khung lịch thời vụ chung của huyện; khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, xuống giống tập trung, đồng loạt, trên cơ sở số liệu từ hệ thống bẫy đèn, để đảm bảo né rầy và né mưa bão cuối vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tình hình nguồn nước, mùa vụ và thị trường. Thời gian xuống giống trên cùng 1 tiểu vùng không quá 7 ngày; không để nhiều trà lúa đan xen nhau. Thời gian xuống giống không kéo dài quá 2 tháng/vụ, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, muỗi hành và các loại dịch hại khác. Không xuống giống lúa vụ thu đông ở vùng không có đê bao kiểm soát lũ triệt để; vùng dừng sản xuất Bắc mương Tám Sớm (xã Quốc Thái, Nhơn Hội, Phú Hội) xả lũ định kỳ theo kế hoạch sản xuất “3 năm 8 vụ”, diện tích 1.057ha.
Về biện pháp canh tác, huyện khuyến cáo nông dân thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp - IPM; “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” (chú ý lượng giống gieo sạ từ 80 - 120kg/ha), tưới nước tiết kiệm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu trong 40 ngày đầu sau sạ... Tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách); bổ sung vi lượng, phân bón có chứa can-xi, silic… giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu với thời tiết bất lợi. Đối với những tiểu vùng xuống giống muộn, nên chuyển đổi trồng cây màu ngắn ngày để tránh ảnh hưởng khung lịch xuống giống. Kịp thời thông báo diễn biến dịch hại, ảnh hưởng của mưa bão, để người dân chủ động sản xuất.
Đối với cây màu, cần ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, kỹ thuật canh tác... giảm chi phí sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại rau an toàn gắn với yêu cầu của DN; đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng rau màu theo đăng ký của DN.
Đối với cây ăn trái, đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng tại những vùng quy hoạch sản xuất tập trung. Tập huấn cho nhà vườn, HTX, THT quản lý sâu bệnh hại trên cây ăn trái; tỉa cành tạo tán, chăm sóc vườn; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn, hiệu quả… hướng dẫn ghi chép nhật ký canh tác tại vùng trồng có gắn kết với DN. Khuyến cáo nông dân sử dụng sản phẩm hữu cơ, sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất cây ăn trái.
Huyện An Phú tiếp tục liên kết sản xuất và tiêu thụ với các DN: Công ty Phú Hưng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex)… Ngoài diện tích liên kết DN, huyện tăng cường kết nối thông tin với thương lái thu mua, giúp tiêu thụ hết sản lượng lúa trên địa bàn.
Đối với rau màu, huyện tiếp tục liên kết sản xuất với các DN: Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu, Công ty TNHH Nông Phú Nguyên, Công ty Thành Ngọc, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao DHFarm… Tập trung phát triển sản xuất rau màu tại các vùng trọng điểm của huyện; đẩy mạnh mời gọi DN đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất (ứng dụng nhà lưới, nhà màng), góp phần tăng giá trị sản phẩm rau màu.
Đối với cây ăn trái, tiếp tục mời gọi và liên kết với Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan, Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), DN trong và ngoài tỉnh, nhằm giải quyết đầu ra cho các loại cây ăn trái chủ lực của huyện. Thành lập mới, củng cố lại HTX, THT, làm đầu mối liên kết sản xuất và tiêu thụ…
HỮU HUYNH