An Phú nỗ lực vượt khó, khai thác kinh tế biên mậu

25/01/2022 - 06:41

 - Năm 2021, tuy đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện An Phú (tỉnh An Giang) đã đoàn kết một lòng, quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, tổ chức thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Quốc lộ 91C kết nối giao thương hàng hóa An Giang qua biên giới Campuchia

Kinh tế tăng trưởng

Đi trên những cung đường nối liền từ cầu Cồn Tiên lên biên giới Long Bình hay trên những nhánh đường kết nối 14 xã, thị trấn ở huyện An Phú sẽ cảm nhận được sự phấn khởi của người dân. “Chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực triển khai công tác ứng phó dịch bệnh, nhất là đảm bảo tốt công tác an dân, an sinh xã hội. Cùng với đó, tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển KTXH. Có những lúc, chúng tôi tưởng chừng ngã gục, nhất là khi dịch bệnh bùng phát mạnh, giãn cách xã hội, phong tỏa nhiều nơi. Nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, sự hỗ trợ của tỉnh và sự đồng thuận nhân dân đã từng bước đẩy lùi dịch bệnh”- Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp chia sẻ.

Trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng ý chí vượt khó của Đảng bộ và nhân dân huyện An Phú luôn vươn lên, thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu tăng trưởng. Tổng sản lượng lương thực trong năm được 230.000 tấn, đạt 110,6% kế hoạch, tăng 19.500 tấn so cùng kỳ năm 2020. Huyện có 3/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Khánh An, Đa Phước, Khánh Bình); xã Phước Hưng đã hoàn thành 15/19 tiêu chí, 45/49 chỉ tiêu.

Tiếp tục triển khai các mô hình sinh kế thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9), với tổng diện tích 400ha. Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được quan tâm thực hiện với các mô hình nhà màng trồng dưa lưới, rau màu; nhà trồng nấm ăn, nấm dược liệu; sản xuất giống lươn đồng công nghệ cao; mô hình không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy trong sản xuất lúa… khá hiệu quả. Hiện, trên địa bàn huyện có 19 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, đang hoàn chỉnh hồ sơ để thành lập mới Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Phú tại xã Vĩnh Lộc.

Phấn khởi là có 20/21 chỉ tiêu KTXH đạt và vượt, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng trưởng 603 tỷ đồng, đạt trên 100% so kế hoạch. Tổng mức bán lẻ, dịch vụ 4.800 tỷ đồng, đạt 93,2% so kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ. Giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới tại các cửa khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 22,2% so cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa – xã hội luôn được chú trọng thực hiện, nâng cao chất lượng giáo dục; giải quyết việc làm cho 6.311 lao động đạt 150% kế hoạch, tăng hơn 1,2% so cùng kỳ.

Những ngày cuối năm, người dân huyện An Phú thêm phấn khởi khi huyện triển khai xây dựng 50 căn nhà Đại đoàn kết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Tổng đầu tư hơn 6,9 tỷ đồng, thực hiện bằng phương thức xã hội hóa. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện An Phú Nguyễn Văn Thao cho biết, đây là công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển KTXH của địa phương và là hoạt động có ý nghĩa thiết thực đảm bảo an sinh xã hội; nhằm hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và các hộ dân gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện để được đảm bảo nơi cư trú ổn định…

Tiếp tục “mục tiêu kép”

An Phú xác định năm 2022 tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; vừa khôi phục, phát triển KTXH, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội trên cơ sở “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh gắn với kinh tế hợp tác. Tiếp tục nhân rộng các hoạt động và mô hình sinh kế của dự án WB9; hỗ trợ xã Phước Hưng hoàn thành đạt chuẩn “xã nông thôn mới”. Đặc biệt, huyện An Phú triển khai mạnh mẽ các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế biên giới.

Trong đó, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, tiếp tục cải thiện và phát triển thị trường Campuchia, tổ chức hội chợ giao thương kinh tế biên giới… tạo thuận lợi cho người dân mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 650 tỷ đồng; doanh thu bán lẻ và doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú phấn đấu đạt 5.500 tỷ đồng; giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD.

An Phú đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, như: Tuyến dân cư di dân tự do Khánh An, chợ Long Bình, cầu An Phú – Vĩnh Lộc, Trường nội trú 3 cấp học xã Khánh An. Định hướng triển khai mở rộng đường liên xã Phú Hữu – Vĩnh Lộc – Vĩnh Hậu; xây dựng cầu Vĩnh Trường – Đa Phước; quy hoạch khu đô thị, vui chơi, giải trí Bắc Quốc lộ 91C… và tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng các điểm trường học ở xã Phước Hưng theo lộ trình xã đạt chuẩn nông thôn mới. Lồng ghép mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Phú (giai đoạn 2021-2025) xác định xây dựng và phát triển huyện An Phú đúng với tiềm năng và lợi thế là một huyện biên giới, cửa ngõ xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh nói riêng và của khu vực ĐBSCL.

Theo đó, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp An Phú, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mời gọi đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, chế biến nhưng phải đảm bảo các điều kiện về môi trường, cơ cấu sử dụng đất, phát triển cụm công nghiệp góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng và các nguồn lực sẵn có của huyện, bảo đảm an sinh xã hội. Đầu tư kết cấu hạ tầng KTXH theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa An Phú và các vùng lân cận và kết nối Campuchia để phát triển giao thương...

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và sớm hoàn thành đưa vào sử dụng dự án cầu An Phú - Vĩnh Lộc. Đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối 2 tuyến giao thông trục chính của huyện: Quốc lộ 91C và Tỉnh lộ 957; tận dụng và phát huy công năng các tuyến đường tuần tra biên giới đang được đầu tư trên địa bàn để phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Triển khai hoàn thành dự án nạo vét thông luồng các tuyến giao thông đường thủy chính sông Hậu…

Về hạ tầng đô thị, đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thị trấn An Phú, thị trấn Long Bình. Phấn đấu hoàn thành thủ tục thành lập thị trấn Đa Phước. Thực hiện đầu tư phát triển các khu dân cư đô thị mới trên địa bàn huyện, như: Khu đô thị mới thị trấn An Phú, Khu đô thị Cồn Tiên mở rộng, Khu dân cư đô thị Tây sông Hậu…

HỮU HUYNH