An Phú tập trung phát triển hạ tầng, tạo động lực tăng trưởng

04/10/2023 - 08:13

 - Xác định hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), huyện An Phú (tỉnh An Giang) đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Qua đó, giúp tăng kết nối giữa các địa bàn, hình thành liên kết vùng, tạo động lực tăng trưởng.

Diện mạo mới

Thị trấn An Phú với vai trò là trung tâm hành chính, văn hóa, KTXH, đầu mối giao thông của huyện, định hướng đạt đô thị loại IV vào năm 2025. “Thị trấn đã được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm, như: Cụm công nghiệp An Phú, trung tâm thương mại, nhiều cụm tuyến dân cư, công viên, điện, đường, trường học, trạm y tế, bệnh viện, các công trình văn hóa - thể thao, bưu chính, viễn thông… Các công trình này đưa vào sử dụng góp phần rất lớn vào phát triển KTXH địa phương” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn An Phú Đoàn Bình Lâm cho biết.

Theo Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp, với nhiều giải pháp tích cực, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện An Phú tiếp tục được tăng cường đầu tư, góp phần phát triển KTXH, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2023 là 5,73%, hộ cận nghèo giảm 6,67%. Kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2023 của huyện An Phú trên 541 tỷ đồng.

Các dự án, công trình trọng điểm đang đẩy nhanh tiến độ, như: Cầu An Phú - Vĩnh Trường, tuyến dân cư dân tộc Chăm Đa Phước, khu dân cư di dân tự do - thiên tai (xã Khánh An)… Hoàn thành nâng cấp mở rộng Quốc lộ 91C, xây dựng Đường tỉnh 957, cầu Tôn Đức Thắng… tạo thuận lợi giao thương hàng hóa trong, ngoài huyện và Vương quốc Campuchia.

Hạ tầng giao thông ở huyện An Phú ngày càng hoàn thiện 

Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9) tại 3 xã bờ Đông sông Hậu cơ bản hoàn chỉnh, mục tiêu kiểm soát lũ tháng 8, giúp nông dân phát triển các mô hình sinh kế. Hạ tầng giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ nông nghiệp được quan tâm đầu tư, góp phần nâng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất. Xây dựng hơn 28km đường cộ nội đồng, nạo vét 32,6km kênh mương, gia cố sạt lở, xây dựng cải tạo cống và trạm bơm phục vụ sản xuất.

Huyện An Phú khai thác hiệu quả 3 cửa khẩu (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông, Bắc Đai) tạo điều kiện cho hàng hóa xuất, nhập khẩu qua lại biên giới được thuận lợi. Các xã biên giới phát huy tốt tiềm năng dịch vụ hậu cần, kho bãi, đầu mối trung chuyển hàng hóa, nông sản qua biên giới. Hoạt động mời gọi đầu tư và phát triển thương mại - dịch vụ kinh tế biên giới được đẩy mạnh.

Huyện có 10 chợ, trong đó 5 chợ biên giới, đáp ứng nhu cầu mua bán, giao thương của người dân khu vực biên giới. Khu Kinh tế Cửa khẩu Khánh Bình hoạt động ổn định với 6 doanh nghiệp (DN) xuất, nhập khẩu đang hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đường tỉnh 957 và Quốc lộ 91C tạo ra hệ thống giao thông nằm trên trục song song kết nối từ TP. Châu Đốc đến Cửa khẩu Khánh Bình, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển, giao thương hàng hóa...

Tập trung phát triển

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện An Phú vẫn còn không ít khó khăn, do kết cấu hạ tầng phát triển chưa đồng bộ (cầu An Phú - Vĩnh Lộc chưa thi công). Đây là niềm mong đợi của Đảng bộ và người dân An Phú, là điều kiện để An Phú phát triển, nhất là 3 xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế quy định, trong khi ngân sách nhà nước chưa phân bổ vốn…

Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn khó khăn; tiềm năng du lịch chưa được khai thác đúng mức. Tuy huyện rất cố gắng nhưng tình hình trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, tội phạm, buôn lậu còn diễn biến phức tạp…

“Huyện An Phú tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mời gọi, huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm có thế mạnh lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế cao và khai thác tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Phát huy lợi thế về kinh tế cửa khẩu để phát triển thương mại - dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ” - đồng chí Trần Hòa Hợp nhấn mạnh.

Hạ tầng thông suốt, huyện tập trung khai thác tốt tiềm năng quan trọng của 3 cửa khẩu (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông, Bắc Đai), cầu Long Bình - Chrey Thom, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất, nhập khẩu qua lại 2 bên biên giới Việt Nam - Campuchia thuận lợi. Các xã biên giới phát huy tiềm năng dịch vụ (hậu cần, kho bãi, đầu mối trung chuyển hàng hóa, nông sản…) qua biên giới. Khai thác tiềm năng du lịch (Búng Bình Thiên, các làng Chăm, Khu căn cứ cách mạng Vạt Lài, làng bè Đa Phước…); tổ chức các điểm tham quan, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, liên kết các tour du lịch của TP. Châu Đốc.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chủ trương "Nhà nước và Nhân dân cùng làm" trong xây dựng và kiên cố hóa giao thông nông thôn, thủy lợi, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp… thúc đẩy KTXH phát triển.

Cụm công nghiệp An Phú có quy mô 18,48ha với lợi thế về đường thủy và đường bộ, được quy hoạch 6 khu chức năng. Hiện, các DN đã đăng ký đầu tư ở 4 khu nhà xưởng với tổng diện tích 13,75ha. Ngoài ra, theo quy hoạch xây dựng thị trấn An Phú, còn có quy hoạch cụm công nghiệp mở rộng với quy mô 21,5ha tại vị trí đối diện. Huyện tiếp tục tận dụng chính sách ưu đãi để mời gọi DN đầu tư; tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả, vệ sinh môi trường…

HỮU HUYNH