Từ đầu năm 2018 đến nay, giá trị sản xuất ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (giá thực tế) huyện An Phú đạt 275,5 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch (tăng 11,13% so cùng kỳ). Doanh số ngành thương mại - dịch vụ 6.490 tỷ đồng, đạt 52,93% kế hoạch năm (tăng 9,07% so cùng kỳ).
Trong đó tổng mức bán lẻ và dịch vụ hàng hóa 1.947 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu toàn ngành (tăng 25,85% so cùng kỳ). Toàn huyện hiện có 927 cơ sở sản xuất - kinh doanh, với tổng vốn đầu tư 43,4 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.017 lao động.
Tháng 4 vừa qua, huyện phối hợp tổ chức thành công Hội chợ biên giới cửa khẩu Khánh Bình năm 2018, thu hút hơn 80 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trong và ngoài tỉnh, với 200 gian hàng. Qua 1 tuần tổ chức, hội chợ thu hút trên 40.000 lượt khách tham quan, mua sắm, trong đó có hơn 4.000 lượt khách Campuchia, tổng doanh số bán hàng 8,4 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, doanh số toàn ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện An Phú đạt 6.490 tỷ, tăng 9,07% so cùng kỳ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, qua đó có nhiều loại cây trồng mới được nông dân mạnh dạn áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu là mô hình trồng đậu nành rau được triển khai thực hiện ở các xã: Nhơn Hội, Quốc Thái và Vĩnh Lộc… Giá lúa và cá tra tăng trong thời gian qua đã góp phần nâng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên.
Công tác giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả, nâng cao chất lượng dạy và học bậc tiểu học và trung học cơ sở. Việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được tăng cường.
Công tác đào tạo nghề được quan tâm, đến nay đã tổ chức đào tạo nghề được 10 lớp cho 255 học viên, trong đó phi nông nghiệp 4 lớp, với 83 học viên; nông nghiệp 6 lớp, 172 học viên và lao động tự học là 170 học viên, nâng tổng số lao động qua đào tạo là 425 người.
Công tác chăm lo người có công luôn được quan tâm, các chế độ chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng quy định. Tình hình trên tuyến biên giới ổn định, giữ vững mối quan hệ hữu nghị, thân thiện giữa chính quyền 2 bên và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, như: các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn hoạt động còn yếu, quy mô nhỏ, chủ yếu bơm tưới, chưa kích thích được đầu tư tự nguyện của xã viên; một số hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả như: Nhơn Hòa, Long Bình, Khánh An. Việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương chưa tập trung thực hiện xuyên suốt, thiếu kiểm tra, giám sát, chưa quan tâm đúng mức, nên các tiêu chí, chỉ tiêu đạt thấp, còn lúng túng trong thực hiện.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy trên địa bàn huyện chậm; chuyển dịch cây trồng theo hướng công nghệ cao tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…
Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động tuy được quan tâm nhưng số người tìm được việc làm và thu nhập ổn định còn thấp. Trình độ nhận thức về việc làm kinh tế để thoát nghèo của người dân còn thấp, một số hộ còn ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước…
Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết: thời gian tới, An Phú tăng cường quản lý chặt chẽ đầu tư công, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Đẩy mạnh triển khai 68 công trình, dự án. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất. Vận dụng cơ chế, chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân vay vốn đầu tư, nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, tăng cường đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt là trên tuyến biên giới. Tăng cường công tác đối ngoại, đảm bảo biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH