Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội) tư vấn:
Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày. Một thực đơn giàu rau xanh, trái cây giúp bạn ngăn ngừa bệnh tật, phòng chống ung thư và các bệnh mạn tính khác. Rau xanh chứa nhiều folate, vitamin B6, kali, vitamin C, A, axit béo tự nhiên. Đặc biệt, rau xanh cung cấp nguồn chất xơ dồi dào.
Thực phẩm này giúp hỗ trợ cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, tránh nguy cơ mắc bệnh ở mọi độ tuổi. Rau chứa các chất chống oxy hóa và các hợp chất khác có lợi khác giúp chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào.
Chất xơ được phân loại gồm hòa tan và không hòa tan. Hai loại chất xơ này thường có trong các loại rau xanh, củ, quả chín, đậu đỗ… Mỗi loại chất xơ đều có những lợi ích sức khỏe khác nhau. Có nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích của chất xơ đối với một số bệnh lý mạn tính, đặc biệt là ung thư.
Một số nghiên về tác dụng của chất xơ đối bệnh nhân gần đây cho thấy chất xơ giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và ung thư vú. Chất xơ ngăn ngừa sự phát triển tế bào ung thư đại trực tràng bằng cách làm giảm độc tính của tác nhân gây ung thư, giảm thời gian cặn bã trong cơ thể sinh ra độc chất. Chất xơ như một chiếc chổi làm sạch hệ tiêu hóa.
Với ung thư vú, chất xơ không hòa tan làm giảm lượng estrogen trong máu, do vậy có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
Các loại rau lá có màu xanh sẫm và các loại rau quả màu vàng, đỏ là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào, giúp mắt sáng, tăng sức đề kháng, cung cấp chất sắt để tránh tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, đặc biệt giúp cho cơ thể trẻ em tăng trưởng và phát triển tốt nhất.
Ăn bao nhiêu rau xanh là đủ?
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng ăn càng nhiều rau càng tốt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một người trưởng thành hằng ngày nên tiêu thụ ít nhất 300g rau xanh và 100-200g hoa quả sẽ giúp phòng chống nguy cơ mắc các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng.
Trẻ em cũng cần được tập cho ăn rau với cách chế biến khác nhau và phù hợp. Tùy vào độ tuổi của trẻ sẽ cần tiêu thụ lượng rau củ quả khác nhau.
Một khẩu phần trái cây cho trẻ sẽ bao gồm một miếng trái cây cỡ vừa, 2 miếng nhỏ hay một bát hoa quả được cắt nhỏ. Một phần rau thích hợp cho trẻ khoảng bằng củ khoai tây kích cỡ trung bình, 60g rau được nấu chín.
Bạn có thể ăn lượng rau và hoa quả nhiều hơn nếu bản thân muốn, bởi nhóm rau củ quả giàu vitamin cũng như chất xơ, dễ tiêu hóa, giảm nguy cơ táo bón. Tuy nhiên, một số trường hợp ăn quá nhiều rau có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Vì vậy, bạn nên kết hợp đa dạng các thực phẩm khác nhau.
Những người bị thừa cân, béo phì, hay rối loạn đường huyết, đái tháo đường nên hạn chế ăn các loại quả chín ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải,...
Nếu bạn có những thắc mắc về lựa chọn thực phẩm, rau củ ăn hằng ngày, hãy tham khảo ý kiến của của bác sĩ cũng như chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ dinh dưỡng nhất.