Chị Phan Thị Nhung, Việt kiều đang sinh sống tại Eswatini nấu món ăn Việt Nam mời bạn bè địa phương đến thưởng thức nhân dịp Tết. Ảnh: TTXVN phát
Sang học tập tại Nam Phi từ năm 2002 rồi sau đó lập gia đình, lập nghiệp tại thành phố Cape Town, cực Nam của đất nước, chị Kiều Phương đã “ăn” rất nhiều cái Tết tại Nam Phi. Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Nam Phi, nữ doanh nhân 42 tuổi kể lại quãng thời gian đầu khi còn là cô sinh viên trẻ, bận rộn với việc học tập và cuộc sống mới tại một nước châu Phi, chị cũng chưa ý thức nhiều đến việc ăn Tết cổ truyền. Tuy nhiên kể từ khi có gia đình, trở thành vợ, thành mẹ, chị thường xuyên tổ chức đón Tết với các thành viên trong gia đình và chia sẻ không khí đón Tết với cộng đồng người Việt cùng khu vực.
Mỗi lần đến Tết, chị vẫn thường xuyên kể cho 3 con của mình về những phong tục truyền thống của Việt Nam mỗi lần Tết đến, Xuân về; nấu những món ăn truyền thống như gói, luộc bánh chưng, làm giò, chả, nem rán, nấu canh măng, canh miến. Theo chị, trừ việc phải gói bánh chưng bằng lá chuối vì không có lá dong, việc tìm những nguyên liệu để nấu các món truyền thống Việt Nam tại Nam Phi đã đơn giản hơn trước rất nhiều vì có thể kiếm được tại các cửa hàng bán đồ châu Á tại địa phương.
Chị Phương cho biết ăn Tết ở Nam Phi rất khác vì người ở Nam Phi vào thời điểm tháng 1, tháng 2 Dương lịch đang là mùa hè nên không thể có được cái không khí lành lạnh như Tết ở miền Bắc Việt Nam. Thêm nữa, Nam Phi cũng không ăn Tết Âm lịch, cộng đồng người đến từ các nước châu Á có ăn Tết, bao gồm Việt Nam, cũng ít nên mọi người chỉ có thể tụ tập một hôm, thường là vào mồng 1 Âm lịch.
Chị Phương kể: “Với mình, cái Tết ở Nam Phi đáng nhớ nhất chắc là vào năm 2017 vì năm đó biết được thêm rất nhiều người Việt ở Cape Town và cũng là năm đầu tiên mình gói bánh chưng ở Nam Phi cùng mọi người. Đặc biệt là mỗi người lại từ một vùng miền khác nhau ở Việt Nam như miền Tây, Đà Lạt, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… nên khi cùng nhau ăn Tết, bọn mình được ăn rất nhiều món đặc sản đến từ các địa phương khác nhau”.
Đón Tết Nhâm Dần 2022 năm nay, gia đình chị Phương và khoảng 20 gia đình tại khu vực thành phố Cape Town lại cùng nhau quây quần gói bánh chưng, luộc bánh chưng, diện những bộ áo dài truyền thống vào đúng ngày Tết. Chị Phương cho biết: “Thường thì mỗi người sẽ lại đóng góp một món ăn Tết truyền thống để góp vui. Vậy là có Tết thôi”.
Chị Bùi Thị Ánh Nguyệt, chuyên gia giáo dục Việt Nam tại Mozambique, cũng cho biết người dân Mozambique không ăn Tết Âm lịch như Việt Nam và vào ngày Tết, người Việt đa số đều vẫn phải đi làm bình thường nên cũng không có không khí Tết nhiều như ở quê hương.
Đối với chị, Tết Nguyên đán là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam, là thời điểm mà các thành viên trong gia đình cùng nhau tổng kết lại một năm cũ đã qua và chuẩn bị cho một năm mới sắp tới. Tết với chị Nguyệt cũng là thời điểm vui vẻ, hạnh phúc và đáng nhớ khi các thành viên trong gia đình cùng nhau sẻ chia, cùng nhau chuẩn bị.
“Nếu không có sự sẻ chia này, Tết cũng có thể mang đến chút lo toan, mệt mỏi, đặc biệt là đối với người phụ nữ như nỗi lo về tài chính cho tết, về chuẩn bị cỗ bàn cho ngày Tết”, chị tâm sự.
Nhận nhiệm vụ làm chuyên gia giáo dục tại Mozambique đã 5-6 năm nay, chị Nguyệt cảm nhận rõ “Tết là một thời điểm mà mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn nhớ về, nhớ về hình ảnh đoàn tụ của gia đình, nhớ về hình ảnh mọi người cùng nhau làm mâm cơm cúng, cùng nhau gói bánh chưng, cùng nhau trông nồi bánh chưng, cùng nhau thăm họ hàng, cùng nhau đi lễ chùa đầu năm”.
Chị Nguyệt cho biết, mỗi năm Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique sẽ thường tổ chức Tết cộng đồng. Tại đây, mọi người sẽ được ăn các món ăn truyền thống trong ngày Tết như bánh chưng, giò, chả,… có thể do cộng đồng làm hoặc gửi từ Việt Nam sang, được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, được nhận tiền lì xì (đối với người lớn tuổi và trẻ em), được tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng... Ngoài ra, các gia đình người Việt tại Mozambique cũng cùng nhau mua gạo, thịt, đỗ và tìm lá chuối để gói bánh chưng, cùng nhau gói giò xào... và tổ chức ăn tất niên, đón giao thừa cùng nhau, chúc Tết nhau.
“Mỗi lần tham gia Tết cộng đồng, tôi cảm thấy ấm lòng, bớt nhớ nhà, nhớ Tết Việt hơn. Ngoài người Việt, còn có khách mời là người dân địa phương để các bạn hiểu hơn về văn hóa, phong tục truyền thống của người Việt”, chị cho biết.
Anh Nguyễn Văn Dũng, 45 tuổi, cũng có 12 cái Tết tại Tanzania. Anh kể thời gian đầu những năm 2010, có đến 3-4 cái Tết đầu tiên, anh nhớ nhà đến rơi nước mắt.
Anh Dũng nhớ lại: “Hồi đó phương tiện liên lạc tại Tanzania còn hạn chế. Tôi nhớ 1 phút gọi điện về Việt Nam đắt hơn cả 1 lít xăng, nạp cái thẻ 10-20 USD gọi về nhà lúc Giao thừa vèo cái là hết”. Anh Dũng nhớ lại phải đến những năm 2014, 2015, hạ tầng Internet tại đất nước châu Phi này tốt lên, lại thêm có sự xuất hiện của công ty Halotel (Viettel Tanzania), việc liên lạc về Việt Nam mới thuận tiện hơn, vơi bớt đi nỗi nhớ nhà của những người con xa xứ mỗi dịp Tết đến.
Vào thời điểm đó, anh Dũng và cộng đồng người Việt tại Tanzania cũng thường quây quần cùng nhau đón Tết. Anh kể mọi người cũng chuẩn bị cùng nhau gói bánh chưng, làm nem… Anh Dũng cho biết: “Bên này người dân ít dùng lá chuối để gói đồ ăn như ở Việt Nam, nên thấy chúng tôi vào hỏi mua lá chuối, họ lạ lắm”.
Những năm gần đây, ngoài tham gia Tết cộng đồng cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania, vào mỗi dịp Tết, anh Dũng vẫn trang trí nhà cửa bằng cành đào tự chế, cùng cộng đồng nấu món ăn Việt và đi chúc Tết.
Nỗi nhớ Tết Việt từ châu Phi
Tâm sự với phóng viên TTXVN, chị Phan Thị Nhung, Việt kiều đang sinh sống tại Eswatini – quốc gia nhỏ bé nằm tại khu vực phía Nam châu Phi – cho biết chị luôn mong mỏi ngày được về quê hương ăn một cái Tết Việt thực sự vì đã 22 năm nay, chị chưa có cơ hội về nước vào đúng dịp Tết.
Tại Eswatini (tên cũ là Swaziland), cộng đồng người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo chị Nhung, trong 2 năm gần đây, do dịch bệnh COVID-19, rất nhiều người cũng đã về nước tránh dịch. Chính vì vậy, việc cùng nhau tổ chức ăn Tết tại Eswatini thực sự là không thể. Chị Nhung cho biết trước đây, mỗi khi vào dịp Tết Nguyên đán, chị thường đi sang Nam Phi, quốc gia giáp với Eswatini, để cùng hòa chung với không khí ăn Tết cộng đồng tại đây. Tuy nhiên, cũng vì dịch bệnh COVID-19 mà năm ngoái chị đã không thể sang Nam Phi mà chỉ có thể trang hoàng nhà cửa với hoa, nấu một vài món ăn đơn giản để cúng tổ tiên, thắp hương ban thờ Phật vào ngày Tết.
Món nem rán của người Việt do chị Phan Thị Nhung, Việt kiều đang sinh sống tại Eswatini nấu nhân dịp Tết. Ảnh: TTXVN phát
Chị cho biết: “Bên này cũng có tiệm bán đồ châu Á nhưng rất ít đồ, thường thì chỉ mua được một chút gạo nếp, đỗ xanh về làm xôi vò, nấu món thịt kho trứng truyền thống của miền Nam”.
Eswatini nằm ở Nam bán cầu. Chính vì vậy mùa xuân thường rơi vào tháng 9, tháng 10. Khi đó những cây đào cũng nở rộ. Chị Nhung kể, cứ nhìn thấy hoa đào là nhớ Việt Nam, nhớ Tết Việt Nam. Có khi, tình cờ nhìn thấy cành hoa lay ơn, hay thấy trái thanh long bán ở chợ cũng phải mua bằng được để hoài niệm về những cái Tết trong tâm tưởng.
Chị kể: “Gia đình tôi vốn gốc Bắc vào miền Trung rồi sau đó vào miền Nam nên tôi có rất nhiều những cái Tết của tuổi thơ đậm chất cả 3 miền. Hồi nhỏ tôi mong Tết lắm, nhớ là cứ 1 tháng trước Tết là gia đình chuẩn bị làm mứt gừng, mứt bí, bánh thuẫn… Các gia đình trong xóm còn khoe và chia với nhau các sản phẩm Tết tự làm rất là tình cảm”.
Tết cổ truyền với chị Nhung còn là kí ức về những nồi bánh chưng, bánh tét, nhiều khi cả xóm nấu chung 1 nồi, ngồi quây quần chờ luộc bánh, cùng chơi bầu cua tôm cá, tú lơ khơ… đầy ắp tiếng cười. Điều mong ước cho Năm mới Nhâm Dần 2022 của chị Nhung đó là dịch bệnh sớm qua đi, mọi người có thể thoải mái đi lại, để chị có thể cùng chồng (người Mali) và cậu con trai 4 tuổi dễ dàng về Việt Nam ăn Tết trên chính mảnh đất quê hương.
Theo HỒNG MINH (TTXVN)