Ấn tượng về đường lối đối ngoại Việt Nam

01/07/2023 - 09:14

Việt Nam theo đuổi đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Công tác đối ngoại góp phần quan trọng làm thay đổi vị thế quốc gia, từng bước nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Khoảnh khắc công bố kết quả bầu cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 đối với đoàn Việt Nam. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Đây là đánh giá của nhà báo Ngụy Vi, Trưởng Ban tiếng Việt, Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc trong cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh.

Đề cập về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua, nhà báo Ngụy Vi nhận định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, trong đó nêu rõ quan điểm lý luận chủ đạo của Đảng trong thời kỳ phát triển mới ở Việt Nam, những vấn đề căn bản như con đường và phương hướng phát triển xã hội chủ nghĩa.

Bài viết khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, chỉ rõ tính đúng đắn trong đường lối phát triển của Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tổng kết kinh nghiệm về đổi mới lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam và những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới của Việt Nam.

Theo nhà báo Trung Quốc, với vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, mang lại những thay đổi to lớn và tốt đẹp cho đất nước. Những thành tựu đổi mới của Việt Nam cho thấy, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ đạt hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội.

Theo nhà báo Ngụy Vi, Trưởng Ban tiếng Việt, Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc, với vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, mang lại những thay đổi to lớn và tốt đẹp cho đất nước. Những thành tựu đổi mới của Việt Nam cho thấy, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ đạt hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội.

Chia sẻ nhận định tương tự, nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesman Turro Gonzalez nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam đã có đóng góp quan trọng về mặt lý luận vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những nước xuất phát từ trình độ phát triển thấp của lực lượng sản xuất và tư liệu sản xuất. Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển, nhất là những nước đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Theo Đại sứ Fredesman, đề cập về thành tựu ngoại giao của Việt Nam không thể không nhắc đến đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam khôn khéo, linh hoạt, bản lĩnh và kiên cường.

Công cuộc đổi mới đã mở cánh cửa để Việt Nam hướng ra bên ngoài, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập thế giới. Việt Nam tham gia rất tích cực vào hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, khéo léo tận dụng những yếu tố tích cực của toàn cầu hóa mà không từ bỏ những nguyên tắc đối ngoại, đồng thời hạn chế tác động của những yếu tố tiêu cực. Việt Nam đã trở thành đối tác đáng tin cậy với tất cả các bên và đã thiết lập quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược với nhiều nước.

Trong bài viết có tiêu đề “Ngoại giao cây tre và động lực mới cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia”, nhà báo Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) cũng đề cao ý nghĩa chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Bài viết cho rằng, với chính sách này, Việt Nam đã thành công trong việc duy trì mối quan hệ thực tế với các cường quốc và bảo đảm lợi ích quốc gia.

Bài viết nhận định, những nguyên tắc chỉ đạo cốt lõi của chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam là lợi ích quốc gia, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ đối ngoại. Những nguyên tắc này xuất phát từ tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nền tảng cho đường lối đối ngoại của đất nước.

“Ngoại giao cây tre” không chỉ là cách xử lý và ứng phó trước sự thay đổi, mà còn là cách thức thúc đẩy văn hóa, bản sắc và quan hệ kinh tế của Việt Nam với các đối tác chiến lược và toàn diện. Đường lối này có nền tảng đặc trưng là sự độc lập, tích cực và cam kết không can thiệp.

Theo chuyên gia Indonesia, Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là một quốc gia chiến lược ở Đông Nam Á, có ảnh hưởng lớn về mặt ngoại giao trong khu vực. Việt Nam hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức và diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bị bao vây cấm vận, Việt Nam ngày nay trở thành một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự kết nối kinh tế rộng lớn và sâu rộng.

Theo chuyên gia Indonesia, Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là một quốc gia chiến lược ở Đông Nam Á, có ảnh hưởng lớn về mặt ngoại giao trong khu vực.

Là nhà nghiên cứu chính trị và lịch sử Việt Nam, ông Kyril Whittaker, đảng viên Đảng Cộng sản Anh, cho rằng trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam thể hiện sự phát triển của một chính sách đối ngoại tích cực và tiến bộ dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chính sách đối ngoại của Việt Nam dựa trên sự mềm dẻo và sức mạnh với “gốc vững vàng” và “cành mềm dẻo”, thể hiện tính kiên cường, mạnh mẽ nhưng cởi mở. Việt Nam nhất quán xây dựng đường lối đối ngoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp, đồng thời ủng hộ sự cởi mở và linh hoạt và nỗ lực để cải thiện các mối quan hệ quốc tế.

Theo chuyên gia Anh, sức mạnh của đường lối “ngoại giao cây tre” là việc không từ bỏ các nguyên tắc, song luôn linh hoạt và thích ứng với một thế giới đang thay đổi, tìm cách tạo ra các mối quan hệ mới trong khi phát triển các mối quan hệ hiện có. Điều này có thể thấy từ những khía cạnh nhỏ, như hợp tác trao đổi kỹ năng và cùng tham gia các dự án, cho tới những vấn đề lớn, như Việt Nam tham gia hơn 70 tổ chức và diễn đàn quốc tế, nhất là các vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong đại dịch Covid-19, chủ nghĩa quốc tế của Việt Nam được thấy rõ qua việc Việt Nam cung cấp khẩu trang và hỗ trợ khác cho các quốc gia có nhu cầu.

Việt Nam nổi tiếng là đất nước thân thiện, an toàn và mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa độc đáo. Việt Nam có mối quan hệ lâu dài với nhiều quốc gia, ủng hộ và bảo vệ quyền độc lập, tự do của các quốc gia vì hòa bình và phát triển.

Theo Báo Nhân Dân