Scotland phát hiện trường hợp bò điên đầu tiên sau 10 năm. Ảnh: CNN
Đây là trường hợp bò điên đầu tiên được phát hiện tại Scotland sau hơn 10 năm.
Hãng tin CNN trích dẫn người phát ngôn của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Scotland cho biết trường hợp trên được miêu tả là ca bệnh “riêng lẻ” và chưa ảnh hưởng gì tới chuỗi cung ứng thức ăn cho người. Điều này có nghĩa là sức khỏe con người cho đến giờ vẫn chưa có nguy hiểm gì.
Phát biểu hôm 18-10, Sheila Voas – chuyên gia y tế thú y Scotland cho biết: “Vẫn còn quá sớm để xác định bệnh dịch có phát triển từ trường hợp bò điên này không. Vụ việc là bằng chứng cho thấy hệ thống giám sát của chúng ta hoạt động tốt. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Cơ quan Sức khỏe Động Thực vật để trả lời câu hỏi trên, đồng thời chúng tôi kêu gọi bất kỳ người nông dân nào có mối lo cần phải tìm đến sự hỗ trợ của các bác sĩ thú ý ngay lập tức”.
Fergus Ewing – Bộ trưởng Kinh tế Nông thôn Scotland – thông báo chính quyền đã ban hành một lệnh cấm tạm thời đối với các con vật trong nông trại phát hiện có bò điên.
Bệnh bò điên, hay còn gọi là bệnh viêm não thể bọt biển (tiếng Anh là bovine spongiform encephalopathy, viết tắt BSE) thường tấn công hệ thần kinh trung ương của bò và khiến con vật chết. Trong quá trình mắc bệnh, những con bò này tỏ ra hung hăng, rối loạn vận động, chạy lung tung, run rẩy, liệt dần rồi chết.
Bệnh bò điên được cho là có liên quan tới bệnh rối loạn thần kinh ở người có tên là Creutzfeldt-Jakob (vCJD). Người bị mắc vCJD được cho là bị truyền nhiễm do ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh. Dù là bệnh hiếm gặp với tỷ lệ 1/1 triệu người/năm nhưng đây là căn bệnh "vô phương cứu chữa”, tiến triển rất nhanh trên cơ thể người và gây tử vong chỉ trong vòng một năm. Các triệu chứng ban đầu là xuất hiện các lỗ nhỏ trong não bộ, đột ngột suy giảm trí nhớ hoặc thị lực, thay đổi hành vi và suy giảm khả năng phối hợp.
Bệnh bò điên được cho là có liên quan tới bệnh rối loạn thần kinh ở người có tên là Creutzfeldt-Jakob (vCJD).
Bệnh bò điên lần đầu tiên được phát hiện tại Anh vào năm 1986. Trong suốt 10 năm sau đó, chính phủ quốc đảo sương mù khuyến khích tiêu dùng thịt bò trong nước và xuất khẩu vì họ cho rằng con người không có gì phải lo lắng về căn bệnh này. Tuy nhiên, một nghiên cứu của chính phủ thực hiện năm 1996 khuyến cáo về mối liên hệ giữa bệnh bò điên và bệnh vCJD đã khiến 143 người tử vong. Ngay lập tức, Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ thịt bò và các sản phẩm liên quan có nguồn gốc từ Anh trên toàn cầu. 10 năm sau, châu Âu mới dỡ bỏ lệnh cấm.
Trong suốt 15 năm (từ 1986 đến 2001) có khoảng 180.000 con bò bị nhiễm bệnh. Bệnh dịch bùng phát đỉnh điểm vào tháng 1-1993, khi lúc đó ghi nhân mỗi tuần lại phát hiện thêm gần 1.000 ca mắc mới.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tính từ tháng 10-1996 đến tháng 3-2011, có 224 trường hợp mắc bệnh vCJD, chủ yếu ở Anh.
Theo HỒNG HẠNH (Báo Tin tức)