Apple thay thế chip của Intel: Cuộc "chia tay" được báo trước

16/04/2018 - 19:38

 - Hồi đầu tháng Tư, hãng tin Bloomberg đã đưa ra một thông tin mà hầu hết giới quan sát công nghệ không thật sự thấy bất ngờ: tập đoàn công nghệ Apple Inc của Mỹ đang lên kế hoạch thay thế các bộ vi xử lý (chip) của Intel Corp trong các máy tính Mac bằng bộ chip tự sản xuất kể từ năm 2020.

(Nguồn: ikt.lent.az)

(Nguồn: ikt.lent.az)

Hai doanh nghiệp đều có trụ sở chính đặt tại California đã có một thời gian hợp tác khá lâu dài và tốt đẹp kể từ khi Apple sử dụng bộ xử lý trung tâm (CPU) của Intel trong những sản phẩm như MacBook Pro hay iMac vào năm 2006. 

Tuy nhiên, với tình hình phát triển công nghệ như hiện nay, cuộc chia tay giữa hai “đại gia” ngành công nghệ thế giới khó có thể tránh khỏi khi Apple có những tham vọng lớn của riêng mình. 

Từ sự đình trệ của Intel 

Tại các sự kiện công nghệ lớn của thế giới như Hội chợ hàng điện tử tiêu dùng (IFA) tại Berlin (Đức) hay Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (CES) ở Las Vegas (Mỹ), người tham dự sẽ dễ dàng nhận ra các “bài diễn văn” của Intel đều có cùng một nội dung: kết nối không dây chính là tương lai, tuổi thọ pin quan trọng với đại đa số người dùng, và tốc độ vi xử lý của Intel đã được nâng cao. 

Trong quá khứ, để kéo dài đà phát triển. Intel có thể hoặc dựa vào những cải tiến về vi kiến trúc (microarchitecture) hoặc tiến hành quá trình thu nhỏ kích cỡ sản phẩm. Intel chỉ mất ba năm để đưa chip xử lý kích cỡ 32 nm hồi năm 2011 xuống còn 14 nm vào năm 2014. 

Song kể từ đó tới nay, chip 14nm của Intel đã trải qua nhiều bản cập nhật, trong khi thời điểm chip 10 nm chính thức ra mắt vẫn còn mơ hồ. Và nếu không thiết kế được những bộ chip với kích cỡ nhỏ hơn và qua đó đạt được hiệu suất năng lượng tốt hơn, Intel không thể cạnh tranh với bộ vi xử lý ARM ưu tiên tính tiết kiệm năng lượng và hiệu quả xử lý. 

Một điều rõ ràng là Intel đã đi tới giới hạn công nghệ mà vẫn chưa tìm được hướng đi tiếp theo cho mình. Các chip Intel đã là “linh hồn” của các máy tính cầm tay MacBook và máy tính để bàn dòng Mac trong hơn một thập kỷ. 

Nhưng cách người dùng sử dụng máy tính đang thay đổi, khối lượng công việc xử lý trên một CPU đang thay đổi, và Apple đã phát triển dòng chip A-series để đáp ứng những thay đổi đó. Dòng chip này có ưu điểm cân đối hài hòa giữa thiết kế phần cứng và phần mềm của “Táo khuyết," trong khi yêu cầu dung lượng pin và bộ nhớ RAM nhỏ hơn hẳn so với các đối thủ Android. 

Ngoài ra, Apple muốn người dùng nâng cấp lên những sản phẩm cao cấp hơn sau hai năm sử dụng, trong khi với Intel con số này là 5 năm. Sự “lệch nhịp” này lại càng củng cố cho “cuộc chia tay” giữa hai công ty công nghệ hàng đầu thế giới 

Tới tham vọng của “Trái táo khuyết” 

Bất chấp những lời về việc Apple muốn chú trọng đến trải nghiệm của người dùng, cũng như đưa ra các sản phẩm có thiết kế thanh lịch, tham vọng chủ đạo của đại gia công nghệ này là kiểm soát mọi khía cạnh của sản phẩm do họ phát triển. 

Apple đã thiết kế bộ chip của riêng mình vì không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Qualcomm. Hồi năm ngoái, “Táo khuyết” cũng bắt đầu tự sản xuất bộ vi xử lý đồ họa và chấm dứt sự lệ thuộc với Imagination Technologies. 

Apple đã tự xây dựng hệ thống nhận diện khuôn mặt Face ID, mua lại hãng sản xuất hệ thống Touch ID, và gần đây được cho là đang bí mật phát triển màn hình MicroLED dành riêng cho Apple Watch.

Một tham vọng không khó nhận ra nữa là Apple muốn xây dựng một hệ điều hành thống nhất giữa các dòng sản phẩm máy tính và điện thoại di động của họ. Điều này được cho sẽ giúp người dùng đồng bộ hóa các ứng dụng trên toàn bộ “hệ sinh thái” Apple một cách dễ dàng hơn, thay cho tình trạng iOS được ưu tiên còn MacOS thì “phủ bụi."

Tuy nhiên, hoạt động phát triển hệ điều hành trên các máy Mac MacOS - vốn dựa trên kiến trúc tập lệnh x86 của Intel - gần như đã “chững lại” hoàn toàn, trong khi hệ điều hành trên các sản phẩm di động iOS chạy trên bộ vi xử lý ARM vẫn tiếp tục được nâng cấp. Giữa lúc thị trường đang chờ đợi sự ra đời của một hệ điều hành thống nhất giữa iOS và MacOS, lợi thế của iOS đã quá rõ ràng. 

(Nguồn: The Hacker News)

Nếu Apple đưa iOS vào các sản phẩm máy tính của mình, đây sẽ là một bước tiến mang tính đột phá mới cho họ. Một thiết bị máy tính cầm tay có sự kết hợp giữa sức mạnh của iOS, tính tiện ích của thiết kế gập mở cùng một touchpad kích cỡ lớn là điều mà rất nhiều người mong chờ. 

Điều khiến Apple “dám” cân nhắc đến việc phát triển máy tính chạy trên hệ điều hành iOS chính là thói quen của người tiêu dùng ngày càng thay đổi. Không những người dùng ngày càng chuộng sử dụng điện thoại thông minh để giải trí thay cho các thiết bị máy tính, họ còn xử lý hầu hết công việc trên thiết bị di động. 

Khi dòng vốn để đầu tư và phát triển các nền tảng điện thoại như iOS và Android ngày tăng, việc các sản phẩm máy tính để bàn dần dần tương thích với những thay đổi là không thể tránh khỏi. Intel nhiều khả năng sẽ vẫn giữ được vị thế thống trị đối với các dòng sản phẩm máy tính cao cấp. Nhưng với đại đa số người dùng, IOS sẽ sớm là câu trả lời cho tất cả những gì họ mong muốn. 

Bên cạnh đó, không chỉ riêng Apple sắp “từ biệt” bộ vi xử lý của Intel, Google đã và đang phát triển những dòng chip với thiết kế tùy biến riêng của họ. 

Microsoft và Qualcomm trong năm nay đã bắt đầu đưa Windows chạy trên bộ vi xử lý ARM như một sự thay thế cho các máy tính xách tay sử dụng chip của Intel. Toàn bộ thế giới công nghệ đang dịch chuyển sang hướng phát triển và thiết kế ưu tiên cho các ứng dụng di động trước hết. Vì vậy, sự ràng buộc giữa Intel với các sản phẩm máy tính để bàn sẽ tiếp tục “ghìm chân” tập đoàn này trong cuộc cạnh tranh tại một thị trường đang ngày càng rộng mở.

Theo VIETNAM+