Dù có khả năng tái tạo, gan vẫn rất dễ bị tổn thương nếu chịu ảnh hưởng lâu dài từ các yếu tố có hại, trong đó có những thói quen phổ biến nhưng ít người để ý.
Thứ nhất là tình trạng tự ý sử dụng thuốc. Nhiều người có thói quen dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc ngủ, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng sinh điều trị lao, thuốc tâm thần hoặc thuốc ung thư. Việc sử dụng quá liều hoặc kéo dài có thể khiến gan phải hoạt động quá sức trong quá trình chuyển hóa, dẫn đến tổn thương tế bào gan.
Thứ hai là sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Một số người tin tưởng vào thuốc nam, thuốc bắc hoặc các sản phẩm quảng cáo trôi nổi trên mạng mà không biết rằng những sản phẩm này chưa chắc đã được kiểm chứng về thành phần và độ an toàn, có thể chứa các chất độc hại gây viêm hoặc suy gan.
Thứ ba là lạm dụng chất kích thích như rượu bia và ma túy. Các chất này làm gan liên tục phải lọc độc tố, làm tăng nguy cơ viêm gan do rượu, xơ gan và ung thư gan. Tình trạng suy gan có thể diễn ra âm thầm, không có biểu hiện rõ rệt cho đến khi tổn thương nghiêm trọng xảy ra.
Tình trạng tự ý sử dụng thuốc có thể đầu độc gan một cách âm thầm. (Ảnh minh hoạ)
Theo bác sĩ, nhiều trường hợp tổn thương gan chỉ được phát hiện thông qua xét nghiệm men gan hoặc đánh giá chức năng gan tổng quát. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cảnh báo sớm mà người bệnh có thể tự cảm nhận. Trong đó, vàng da là biểu hiện điển hình, xảy ra khi gan không xử lý được bilirubin – chất màu vàng sinh ra từ quá trình phân hủy tế bào hồng cầu – dẫn đến tích tụ trong máu.
Người bệnh có thể thấy da, lòng trắng mắt và niêm mạc chuyển sang màu vàng. Vàng da có thể liên quan đến nhiều bệnh lý như viêm gan virus, viêm gan do rượu, do thuốc hoặc rối loạn chuyển hóa hiếm gặp.
Mệt mỏi và chán ăn cũng là dấu hiệu cho thấy gan đang gặp vấn đề. Khi chức năng chuyển hóa chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng, cơ thể thiếu năng lượng dẫn đến trạng thái suy nhược kéo dài. Gan không thải độc hiệu quả còn khiến nồng độ amoniac trong máu tăng, gây cảm giác uể oải và mất tập trung.
Nước tiểu sẫm màu là một biểu hiện khác cho thấy dòng mật trong cơ thể có thể bị ứ đọng. Khi mật không được vận chuyển đến ruột non để hỗ trợ tiêu hóa, bilirubin sẽ tích tụ trong máu và được bài tiết ra ngoài qua nước tiểu, khiến nước tiểu chuyển sang màu vàng sẫm. Biểu hiện này thường đi kèm với vàng da, phân nhạt màu và khó tiêu.
Phân đổi màu, cụ thể là chuyển sang màu nhạt, cũng phản ánh tình trạng dòng mật bị tắc nghẽn. Gan bình thường sẽ tiết mật vào ruột để hỗ trợ tiêu hóa, trong đó sắc tố mật tạo màu vàng sẫm cho phân. Khi chức năng này suy giảm, phân sẽ mất màu và đi kèm các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa khác.
Một dấu hiệu dễ nhận biết nhưng thường bị bỏ qua là sự xuất hiện của các vết bầm tím bất thường trên da. Gan có vai trò tổng hợp các protein đông máu, nếu cơ quan này bị tổn thương, quá trình đông máu sẽ bị ảnh hưởng, khiến người bệnh dễ bị chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc xuất hiện vết bầm mà không rõ nguyên nhân.
Khi gan bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng suy gan cấp, với các biểu hiện nặng như vàng da toàn thân, hơi thở có mùi hôi khai, chảy máu khó cầm, li bì, lẫn lộn, tụt huyết áp, suy hô hấp, thậm chí hôn mê hoặc tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi khám khi có các biểu hiện bất thường liên quan đến gan như vàng da, mệt mỏi kéo dài, nước tiểu sẫm màu hoặc xuất hiện các vết bầm không rõ nguyên nhân. Việc xét nghiệm men gan, đánh giá chức năng đông máu và siêu âm gan định kỳ sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị hiệu quả, tránh biến chứng nặng nề.