Với lòng trân trọng kính yêu, người dân treo ảnh chân dung Bác trong nhà, trong cơ quan, trong trường học, nơi hội họp, trên đường phố... Hơn thế nữa, mọi người còn biết khá tường tận những bức ảnh nổi tiếng về đời hoạt động của Người, và coi đó là kiến thức của mình về cách mạng, về lịch sử dân tộc, là tình cảm của mình gắn bó với Bác, với quê hương, đất nước.
Ví như bức ảnh Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê, năm 1950 của Vũ Năng An, người dân hiểu rằng, đấy là cái mốc son chiến thắng biên giới, phá tung thế kìm kẹp của quân đội viễn chinh Pháp, mở rộng cánh cửa giao thương sang các nước anh em. Ảnh Bác Hồ nói chuyện với bộ đội ở Đền Hùng, Phú Thọ năm 1954, là dấu ấn một câu nói bất hủ vừa giao nhiệm vụ cho quân đội tiếp tục chiến đấu thống nhất đất nước, vừa khẳng định lý tưởng của Bác và của các chiến sĩ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, ảnh của Đinh Đăng Định. Vì ngày ấy sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ và bộ đội về tiếp quản Thủ đô, đất nước mới được giải phóng một nửa.
Hay bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn, năm 1960, của Lâm Hồng Long. Bức ảnh được chụp vào buổi liên hoan văn nghệ chào mừng thắng lợi Đại hội lần thứ III của Đảng diễn ra ở vườn Bách Thảo bên cạnh Phủ Chủ Tịch. Năm ấy Bác đã 70 tuổi, như Bác nói, Bác đã bước vào lớp người “xưa nay hiếm”. Nhiệm vụ đứng đầu Đảng được trao cho đồng chí Lê Duẩn. Bác vui vì Đại hội này, toàn Đảng, toàn dân nhất trí, đồng lòng giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Bác vui vì đội ngũ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đoàn kết, vững mạnh, có bản lĩnh, thực lòng vì dân vì nước, Bác vui vì cách mạng Việt Nam không chệch hướng... Phấn khởi lắm, bác bước lên bục nhạc trưởng, cầm đũa chỉ huy dàn nhạc tấu lên bài ca kết đoàn...
Có nhiều bức ảnh về Bác là những câu chuyện lịch sử sinh động thể hiện được con người Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân cách Hồ Chí Minh. Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 131 của Bác năm nay, không phải là năm chẵn để tổ chức to, nhưng lại là năm Đại hội lần thứ XIII của Đảng kết thúc thắng lợi với nhiều thành tựu rực rỡ. Việc được nhân dân quan tâm hơn cả là kết quả chống tham nhũng có những chuyển biến rõ rệt. Trong không khí này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu với bạn đọc 2 bức ảnh độc đáo về Bác mà nhiều người chưa biết đến.
1. Bữa cơm trên bàn tre nứa
Bữa cơm trên bàn tre nứa. Ảnh: Đinh Đăng Định
Chúng ta hãy nhìn vào ảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi ở đầu bàn, thực chất đấy là cái chõng tre hoán cải có 4 chân cao ngang tầm chiếc bàn gỗ khoảng 70, 80 cm. Trên mặt chõng rải ra 5, 7 chiếc đĩa nhỏ và vài mấy cái bát nhỡ đã xới cơm, góc Bác ngồi có một đĩa thức ăn, đạm bạc không có thịt cá. Đứng hai bên là gần chục cán bộ, chiến sĩ văn phòng Chủ tịch nước. Đấy là bữa cơm hàng ngày của Bác. Cái chõng tre những năm ấy là “motive” nội thất của nhà nghèo ở làng quê Việt Bắc và đồng bằng Bắc Bộ. Có hôm nhiều việc, họp bàn quá giờ, Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng cùng ngồi ăn bên cái chõng tre này. Cũng từ cái chõng tre ấy, mấy bộ óc cách mạng lại đào sâu suy nghĩ về các phương án chiến lược, sách lược đánh bại các cuộc hành quân càn quét của quân đội Pháp, đánh tan cứ điểm Điện Biên Phủ, giành lại non sông, đất nước.
Nhìn ảnh cái bàn ăn bằng tre của Chủ tịch nước, tôi bồi hồi nhớ lại cái bàn gỗ mộc của nhà mình được làm ra cùng thời với cái bàn tre ấy của Bác Hồ. Những năm đó, gia đình tôi ở Đình Cả, Võ Nhai, Thái Nguyên, một cơ sở cách mạng, kháng chiến, cách Định Hóa, Chiêm Hóa (vùng ATK) nơi Bác Hồ và Chính Phủ ở không xa. Cuối năm 1950, khi ta mở chiến dịch Cao - Bắc - Lạng, máy bay Pháp ném bom phố Đình Cả, nhà tôi trúng bom bị cháy trụi. Không rõ do Việt gian chỉ điểm thế nào mà mỗi nhà tôi, nhà ông Chủ tịch Liên Việt huyện Võ Nhai và nhà liền kề bị bom, còn các nhà khác thì không. Có lẽ vì ngôi nhà này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ngủ lại một đêm, trước khi Người lên Lạng Sơn chỉ đạo chiến dịch biên giới. Hay vì địch nghi ngờ nhà tôi còn cất giấu thuốc men, quân trang quân dụng của bộ đội? Lúc máy bay đến, chỉ có một mình mẹ tôi ở nhà với người em mới sinh, bố tôi đang làm viêc trên huyện, còn tôi và chú em họ đem quà vào nhà bà đỡ cảm ơn, bà đã giúp mẹ tôi sinh ra em tôi suôn sẻ. Khi máy bay lượn vòng xác định mục tiêu, mẹ tôi kịp bế em tôi chạy ra hầm trú ẩn ở sau vườn. Một quả bom trúng nhà phát hỏa, còn quả bom nữa lao xuống cạnh hầm, nhưng bị nhâm, không nổ, nhờ vậy mẹ và em tôi thoát chết. Sau vụ bom đạn nhà cửa tan hoang, chúng tôi phải sơ tán qua sông Đào, dựng nhà ở chân núi Cổ Rồng. Nhà tre vách nứa nhỏ không có gì, nhưng bố tôi còn nhờ được mấy chú thợ mộc đóng cho một bộ bàn ghế gỗ nhỏ để tiếp khách, và làm bàn ăn, tối đến chuyển thành bàn học cho tôi.
Năm ấy còn nhỏ, tôi đâu biết cái bàn ăn gỗ mộc nhà mình còn sang hơn bàn ăn bằng tre nứa của Chủ tịch nước! Mãi đến khi tôi là phóng viên ảnh của Việt Nam Thông Tấn xã bắt gặp bức ảnh này, mới nẩy ra sự so sánh ngộ nghĩnh. Có thể đây là chuyện cá nhân, nhưng thực chất không cá biệt, xin kể lại để độc giả chia sẻ.
2. Ảnh Hồ Chủ tịch “muốn nằm”
Hồ Chủ tịch “muốn nằm”. Ảnh: Đinh Đăng Định
Một lần theo Bác đi công tác, nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định dậy sớm chuẩn bị phim, máy ảnh cẩn thận, đợi cảnh vệ gọi là lên đường. Mấy bác cháu lặng lẽ trên đường mòn. Gần trưa qua một làng bên suối, dân làng nhận ra “Ông Ké” là Bác Hồ, họ vui sướng reo lên:
- Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôm năm!
Bác tươi cười vẫy tay, nói với mọi người:
- Chào bà con, chào đồng bào!
Một cán bộ trẻ của xã hớn hở chạy ra tận đường reo lên:
- A! Bác Hồ, Bác Hồ! Rồi anh cũng hô lên cùng mọi người:
- Hồ Chủ tịch muôm năm!
Bác nhận ra người cán bộ dân tộc Tày này, vì nơi đây đã có lần Bác tới. Cầm tay anh cán bộ xã, Bác nói vui:
- Hồ Chủ Tịch muốn nằm.
Anh cán bộ xã, sững người, bối rối, tưởng có điều gì không vừa ý Bác, nên Bác nói thế. Bác vẫn cười, ôn tồn nói tiếp:
- Chú biết không, từ sáng đến giờ Bác đi mấy chục cây số, mỏi rồi, phải nằm nghỉ thôi.
- Mời Bác vào nhà cháu. (Anh ta thiết tha mời)
- Không được, Bác không nghỉ ngang đường, Bác phải đến trạm giao liên cùng bộ đội.
Thế là đoàn công tác của Bác đi tiếp. Đến trạm giao liên, Bác ngả lưng ngay trên tấm phản gỗ mới xẻ còn tươi. Đầu ngả lên ba lô rõ cao, đôi mắt mở to suy nghĩ, hai tay gập ngang ngực, hai cẳng chân gầy guộc chống lên nhau... Đúng lúc ấy Đinh Đăng Định đưa máy ảnh lên chụp, ông bấm liền 3, 4 kiểu.
Vâng! Cái bàn ăn của Bác bằng tre nứa, Cái giường nghỉ dọc đường của Bác bằng ván tươi vừa xẻ, quá mộc mạc đơn sơ! Hình ảnh ấy, sự thật ấy ám ảnh tôi mãi. Một câu hỏi sâu lắng cứ khắc khoải trong lòng: Bác chịu đựng gian khổ hy sinh như thế để làm gì? Để nhân dân hạnh phúc. Nhưng giờ đây, đất nước mới hồi sinh, các quan chức ngày ngày phè phỡn, trắng trợn móc túi nhân dân, họ là các nhà tư bản đội lốt cộng sản mà người ta gọi là “tư bản đỏ” cắt xén ngân sách nhà nước đút túi cá nhân. Mỗi vị chộp giật, cướp bóc hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ, thì sự khắc khổ hy sinh của Bác có uổng phí không? Trong kháng chiến chống Pháp có một Trần Dụ Châu tham nhũng bị xử tử. Còn nay có hàng nghìn cán bộ, đảng viên đục khoét gấp nghìn lần Trần Dụ Châu chỉ bị tù cao nhất là 30 năm, liệu như vậy đã nghiêm minh chưa?!
Xin trích vài con số tin cậy đáng buồn:
Ngày 12-12-2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, có thông báo:” Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 04 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (Theo trang thông tin điện tư tổng hợp Ban Nội chính Trung ương, Thứ Hai, 15-02-2021).
“Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng và cố ý làm trái... Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 436 vụ án, với 1,118 bị cáo về các tội tham nhũng,... chuyển các cơ quan điều tra hình sự 188 vụ với 335 đối tượng. Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiểm toán 434 đơn vị, kiến nghị thu hồi về cho ngân sách Nhà nước hơn 65.000 tỷ đồng”. (Theo Trang thông tin điện tử Ủy ban kiểm tra Trung ương).
Chúng tôi muốn gửi hai bức ảnh mộc mạc chân thực này và mấy dòng thông báo của Đảng đến những người từng là đảng viên, cán bộ nhà nước hiện nay đang ở trong khám xem và suy ngẫm.
Cũng như muốn gửi cho các đảng viên vừa được bầu vào Ban chấp hành Trung ương và các cấp ủy, vừa được bầu hoặc chỉ định giữ các trọng trách trong hệ thống chính trị nước ta, để các vị rút ra bài học gì, noi gương được gì từ người đảng viên, người công dân số một Hồ Chí Minh?
Ảnh là thực. Không khách sáo đâu, phải cảm ơn anh Đinh Đăng Định, người thanh niên Hà Nội vinh dự được sống bên Bác, cảm ơn các anh Vũ Năng An, Lâm Hồng Long... Khi chụp những tấm ảnh này, các anh đang độ tuổi thanh niên và trung niên sôi nổi, mang trong mình lý tưởng trong sáng tươi đẹp. Các anh đã để lại những tác phẩm ảnh vô giá. Ảnh cho thấy Bác Hồ như mọi cán bộ chiến sĩ, Bác không là thần thánh, nhưng tinh thần của Bác, lý trí của Bác trong ảnh lại rất thánh nhân.
Hà Nội, những ngày tháng 5 nhớ Bác.
CHU CHÍ THÀNH (Nhà nghiên cứu, lý luận phê bình nhiếp ảnh, Hội NSNAVN)
Theo Báo Tin Tức