Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 3), rau ngót không chỉ là món ăn mà còn là phương thuốc dân gian được sử dụng từ lâu đời để hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh.
Phân tích thành phần dinh dưỡng cho thấy, chỉ trong 100g rau ngót chứa đến 185mg vitamin C và 6.650μg vitamin A – cao hơn cả các loại quả nổi tiếng như cam, chanh hay bưởi.
Bên cạnh đó, loại rau này còn giàu khoáng chất thiết yếu như canxi, magie, kali, kẽm và mangan, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động miễn dịch, sản sinh collagen, điều hòa cholesterol và chuyển hóa chất béo.
Từ loại rau mọc hoang, rau ngót trở thành thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn gia đình. (Ảnh minh hoạ)
Không chỉ dừng ở đó, rau ngót còn được khoa học hiện đại ghi nhận với nhiều công dụng thiết thực cho sức khỏe. Với sản phụ sau sinh, rau ngót có thể giúp khơi thông nguồn sữa nhờ chứa sterols - hoạt chất có cơ chế gần giống nội tiết tố estrogen. Loại rau này còn hỗ trợ điều trị cảm cúm nhờ có ephedrin, hợp chất thường thấy trong một số loại thuốc thông mũi.
Một số nghiên cứu dân gian thậm chí cho thấy rau ngót có thể cải thiện chất lượng và số lượng tinh trùng, từ đó tăng cường khả năng sinh lý nam. Đông y xem rau ngót là vị thuốc có tính mát, vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, cầm máu và hoạt huyết hóa ứ.
Rau ngót cũng xuất hiện trong nhiều bài thuốc dân gian. Với phụ nữ sau sinh bị sót nhau, người xưa thường giã nát khoảng 40g lá rau ngót, vắt lấy 100ml nước uống trong hai lần cách nhau 10 phút.
Sau khoảng 15-20 phút, nhau thai sẽ được đẩy ra ngoài. Một số bài thuốc khác dùng rau ngót để chữa chậm kinh, tưa lưỡi ở trẻ, nhức xương hay đổ mồ hôi trộm ở trẻ âm hư.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng rau ngót. Bác sĩ Vũ cảnh báo, trong rau ngót tươi chứa papaverin - chất gây co thắt cơ trơn tử cung, có thể dẫn đến sảy thai, đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có tiền sử sinh non, sảy thai liên tiếp hoặc đang mang thai nhờ thụ tinh ống nghiệm.
Ngoài ra, khi sử dụng quá nhiều, rau ngót có thể làm giảm hấp thu canxi và phốt pho do ảnh hưởng của một số chất chuyển hóa như glucocorticoid.
Từ góc nhìn dinh dưỡng đến giá trị y học, rau ngót xứng đáng được xếp vào danh sách những loại thực phẩm "quanh vườn nhưng thần kỳ". Tuy nhiên, như mọi vị thuốc, cần hiểu đúng và dùng đúng để không biến lợi thành hại.