Ngày 1/6 hàng năm đã trở thành một ngày đặc biệt dành cho trẻ em ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới (Ảnh minh họa: iStock Images)
Nguồn gốc ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 bắt nguồn từ một sự kiện đau lòng trong lịch sử. Đó là vào ngày 1/6/1942, quân phát xít Đức bao vây làng Lidice (Tiệp Khắc) và đã bắt giữ 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, quân phát xít đã tàn sát 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho quân phát xít. Hai năm sau, vào ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Oradour (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.
Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi ở nhiều nước trên thế giới.
Có phải ngày của thiếu nhi ở nước nào cũng là ngày 1/6?
Ngày 1/6 hàng năm đã trở thành một ngày đặc biệt dành cho trẻ em ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng lấy ngày 1/6 là ngày Quốc tế Thiếu nhi.
Vào năm 1954, nhằm khuyến khích các nước ghi nhớ về trẻ em và bảo vệ quyền lợi trẻ em, Liên hợp quốc đã đề xuất Ngày Thiếu nhi Thế giới tổ chức vào ngày 20/11 mỗi năm. Mặc dù đề nghị ngày 20/11, nhưng Liên hợp quốc lại để cho các quốc gia thành viên có thể tổ chức Ngày Thiếu nhi của riêng nước mình vào các ngày tự chọn khác nhau.
Trong đó, Australia chọn ngày thứ tư tuần cuối cùng của tháng 10 hằng năm là Ngày Trẻ em ở nước này. Ở Brazil, ngày hội cho thiếu nhi chính là ngày Đức Mẹ Aparecida 12/10, đây là ngày nghỉ toàn quốc tại quốc gia Nam Mỹ này. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, 23/4 là Ngày lễ Chủ quyền quốc gia và Ngày Trẻ em. Đây cũng là ngày nghỉ lễ toàn quốc. Ngày quốc tế thiếu nhi ở Ấn Độ lại là ngày 14/11. Ở Nhật, Ngày quốc tế thiếu nhi là ngày nghỉ toàn quốc và được tổ chức vào ngày 5/5 hàng năm.
Trong khi đó, có khoảng 30 nước chọn Ngày Quốc tế Thiếu nhi là ngày 1/6 như: Nga, Trung Quốc, Bulgaria, Lào, Campuchia, Việt Nam…. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á và là nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.
Ngày Thiếu nhi được tổ chức như thế nào ở các nước?
Tại Trung Quốc, Ngày Thiếu nhi là một ngày lễ được các trường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi khác nhau, chẳng hạn như biểu diễn văn nghệ, các chuyến cắm trại, các trò chơi dân gian,... Vào dịp này, một số rạp chiếu phim cũng cung cấp vé miễn phí cho trẻ em và một số điểm du lịch cung cấp giảm giá hoặc miễn phí cho trẻ em vào ngày này.
Tại Bulgaria, Ngày Thiếu nhi là một dịp đặc biệt, khi trẻ em là trung tâm của sự chú ý. Các gia đình thường kỷ niệm ngày này bằng cách tặng những món quà tương tự như những gì trẻ em nhận được vào ngày sinh nhật và tụ tập cùng nhau trong một bữa tối đặc biệt để thể hiện sự may mắn khi có con trong gia đình.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi tại Nga được tổ chức với nhiều hoạt động như trò chơi, tham quan, đọc sách và lớp học tại các cơ sở văn hóa khác nhau, bao gồm bảo tàng và thư viện. Ngoài ra, các nhà hát và phòng hòa nhạc sẽ có các sự kiện hấp dẫn dành cho trẻ em.
Tại Ba Lan, Ngày Thiếu nhi là một ngày vui chơi và giải trí dành cho trẻ em. Nhiều cuộc thi, giải đấu, dã ngoại và chuyến đi được tổ chức để đảm bảo họ có một ngày đáng nhớ.
Thổ Nhĩ Kỳ chọn 23/4 làm Ngày lễ Chủ quyền quốc gia và Ngày Trẻ em. Đây là ngày nghỉ lễ toàn quốc, các bạn nhỏ có thể có cơ hội "kiếm" một vị trí trong Quốc hội và tham gia việc nước một cách tượng trưng như bầu ra một “tổng thống” thay mặt trẻ em phát biểu trên truyền hình. Tại các sự kiện vui chơi, văn nghệ, mọi người biểu diễn những điệu múa, hát truyền thống.
Ở Nhật Bản, Ngày Thiếu nhi là một ngày lễ quốc gia, được tổ chức hàng năm vào ngày 5 tháng 5. Vào ngày này, các gia đình thường trưng bày những bức tượng nhỏ các chiến binh Samurai, tượng trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm, với mong muốn các bé lớn lên thành công, khỏe mạnh, dũng cảm.
Tại Ấn Độ, Ngày Thiếu nhi là 14/11, trùng với ngày sinh của Thủ tướng đầu tiên của quốc gia này, ông Jawaharlal Nehru. Đây là vị Thủ tướng nổi tiếng vì tình thương yêu dành cho trẻ em.
Ở Việt Nam, sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Kể từ đó đến nay, ngày 1/6 đã trở thành ngày Tết dành cho trẻ em Việt Nam. Trong ngày này, các em không chỉ được nhận những lời chúc mừng, những món quà đầy yêu thương của ông bà, cha mẹ, người thân mà còn được nhận sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trên khắp cả nước. Rất nhiều hoạt động ý nghĩa vào dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 đã được tổ chức với mong muốn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tất cả trẻ em.
Theo Đảng Cộng Sản