Trong đó, hành vi người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ảnh: Báo Tin tức
Với việc người sản xuất, kinh doanh, chế biến thức ăn đường phố dùng tay bốc thức ăn tràn lan, mức phạt này mang tính tích cực, giúp người dân thay đổi thói quen, góp phần ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm. Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, qua đánh giá các vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc do vi sinh vật liên quan đến bàn tay không được vệ sinh sạch sẽ chiếm tỷ lệ cao.
Tại khu đô thị Linh Đàm, từ khi dân số tăng lên gần bằng dân số của một phường, dịch vụ thức ăn đường phố cũng đua nhau mọc lên, đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì dân số đông nên dịch vụ thức ăn đường phố ở đây phát triển mạnh nhưng khó kiểm soát việc thực hiện quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quán bún mẹt đậu phụ ở khu vực chung cư Linh Đàm vào buổi trưa rất đông khách. Chị Hà Thanh (quận Hoàng Mai) cho biết thường xuyên đến ăn ở đây nhưng sau một lần nhìn thấy người phụ việc của quán chuẩn bị đồ cho khách không hợp vệ sinh nên từ đó chị không tới ăn ở đó nữa.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên ngày 8/10, việc chấp hành quy định của người kinh doanh, chế biến tại các hàng, quán khu vực chung cư Linh Đàm đã chuyển biến rõ nét. Từ quán ăn có địa chỉ cho tới gánh hàng rong bán vỉa hè, hầu hết người bán hàng đã đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay.
“Tôi nghĩ tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cần thiết, vì nguy cơ bệnh vào từ miệng song nhiều người vẫn rất chủ quan hoặc làm ăn tùy tiện, vi phạm quy định an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, anh Hồ Văn Thắng, một thực khách ăn tại đây chia sẻ.
Khu vực quận Cầu Giấy tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, dịch vụ thức ăn đường phố ở đây rất phát triển. Anh Tuấn, một chủ hàng cơm bình dân ở Dịch Vọng Hậu cho biết, từ trước đến nay, nhân viên quán không đeo găng tay mà dùng dụng cụ để gắp thức ăn cho khách. “Tôi cho rằng, mức phạt 1 triệu đồng đối với hành vi dùng tay bốc thức ăn cho khách là khá cao nên từ nay tôi sẽ vừa đeo găng tay vừa dùng dụng cụ gắp thức ăn khi bán cơm cho khách”, anh Tuấn nói.
Theo ông Nguyễn Tiến Trung - Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì (Hà Nội), cũng như các quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội, dù đơn vị đã phối hợp với các xã tuyên truyền việc chấp hành, đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng thời gian qua vẫn còn một số tồn tại như: Địa phương không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ, không tập huấn xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Người lao động không mang trang phục bảo hộ lao động theo quy định, không duy trì việc kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định, vi phạm về tem nhãn sản phẩm...
Đánh giá về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm thức ăn đường phố trên địa bàn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho cán bộ các phòng y tế, trung tâm y tế về Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có một số mức xử phạt sẽ được áp dụng như: Người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 300.000-500.000 đồng).
Các vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được nâng mức xử phạt từ 300.000 đồng đến 25 triệu đồng lên từ 20-40 triệu đồng. Ngoài ra, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng với hành vi không thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong nhập khẩu hoặc xuất khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (mức cũ 15-20 triệu đồng).
“Trước đây các cơ sở thức ăn đường phố chưa tuân thủ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm một cách thường xuyên, chỉ nghiêm túc lúc kiểm tra xong lại đâu vào đấy. Để việc đi găng tay khi bốc thức ăn trở thành thói quen, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố, người tiêu dùng cũng cần chủ động trong việc phản ánh vi phạm cho Phường, Trung tâm Y tế, Phòng y tế địa phương theo đường dây nóng. Mặt khác, vai trò của chính quyền phường, xã, nơi trực tiếp quản lý cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố cũng rất quan trọng”, ông Trần Ngọc Tụ đề nghị.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 30.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó hơn 5.200 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, bên cạnh những chuyển biến tích cực về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện nay vì lợi nhuận vẫn còn nhiều chủ quán cơm bình dân coi thường sức khỏe người tiêu dùng, bán thực phẩm không rõ nguồn gốc...
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hàng năm, sở phối hợp với các đơn vị thanh tra, kiểm tra thức việc kinh doanh ăn đường phố. Mặc dù vậy, việc quản lý gặp nhiều khó khăn do tính di động, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ... Vì vậy, cần sự vào cuộc, giám sát của cơ quan chuyên môn cũng như người dân. Từ đó sẽ nâng cao ý thức của các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nói chung và thức ăn đường phố nói riêng.
Theo TUYẾT MAI (TTXVN)