Ban Kinh tế Trung ương khảo sát nông thôn An Giang

01/08/2024 - 14:47

 - Ngày 1/8, tổ công tác Ban Kinh tế Trung ương, do Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) Vũ Mạnh Hùng dẫn đầu đã đến khảo sát và làm việc với tỉnh An Giang về kết quả thực hiện chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tổ công tác hỏi thăm hộ bà Néang Sa Rum (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô), hộ được hỗ trợ nhà ở và bò giống

Tổ công tác trao đổi với nông dân Khmer

Khảo sát, trao đổi tại Trường Mầm non Núi Tô

Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại các hộ đồng bào dân tộc thiểu số Khmer trên địa bàn xã Núi Tô (huyện Tri Tôn), trao đổi tình hình sản xuất, đời sống, hiệu quả triển khai các mô hình xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc như: Hỗ trợ bò giống, nhà ở, đất sản xuất, triển khai mô hình trồng trọt, chăn nuôi...

Sau khảo sát, tổ công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với các sở, ngành tỉnh, UBND huyện Tri Tôn về kết quả thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn An Giang.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, Nghị quyết 19-NQ/TW tạo động lực phát triển lớn cho một tỉnh nông nghiệp như An Giang, với gần 80% trong tổng diện tích tự nhiên 353.700ha là đất sản xuất nông nghiệp. Khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh có trên 90% số xã (108/119 xã) đạt dưới 5 tiêu chí, nhưng đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, huyện Thoại Sơn đáp ứng tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; có 76/110 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (tỷ lệ 69,09%); 34 xã nông thôn mới nâng cao; 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 14 ấp tại các xã biên giới, khó khăn đạt chuẩn “Ấp nông thôn mới”.

Ngay sau khi có Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Chương trình hành động 23-CTr/TU, ngày 5/5/2023 để triển khai thực hiện; UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch 767/KH-UBND, ngày 8/9/2023 thực hiện Chương trình hành động 23-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 11 huyện, thị xã, thành phố, với 887 tổ, 6.517 thành viên thành viên tham gia, góp phần đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân để thúc đẩy công nghệ số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, trở thành tác nhân thúc đẩy kinh tế số, kinh tế tập thể chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50,86%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn là 96,29%, đời sống người dân nông thôn được nâng lên. Từ năm 2022, sản xuất nông nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng sau dịch COVID 19, đạt 3,16%; tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2023 đạt 4,43%, vượt kế hoạch đề ra (3,5%). Năm 2024, đà tăng trưởng vẫn duy trì ở mức cao, ước đạt khoảng 3,62% (kế hoạch từ 3,5 - 3,8%).

Trao đổi tại buổi làm việc với tổ công tác Ban Kinh tế Trung ương

Tại buổi làm việc, tỉnh An Giang kiến nghị Trung ương tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó cần tập trung hình thành có hiệu quả và bền vững các chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế của từng vùng, miền, từng địa phương, từng ngành hàng. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp, xem đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững. Trung ương tiếp tục có chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Đối với các tỉnh được quy hoạch trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, đảm bào an ninh lương thực quốc gia như An Giang, Trung ương cần có chính sách hỗ trợ đặc thù trong việc đầu tư vào kết cấu hạ tầng, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sau thu hoạch, chế biến và chế biến sâu nông sản, logistics...

Sau khi Luật Đấu thầu 22/2023/QH15 được Quốc hội thông qua, mặt dù Chính phủ có Nghị định 23/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành, Bộ Tài chính vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thi hành đối với nguồn vốn sự nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia, nên địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Do đó, tỉnh An Giang kiến nghị cần sớm có thông tư hướng dẫn, dặc biệt là tháo gỡ quy định đấu thầu đối với vốn sự nghiệp từ 100 triệu trở lên...

Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Mạnh Hùng kết luận buổi làm việc

Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Mạnh Hùng đánh giá cao việc triển khai đồng bộ chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ tỉnh đến huyện, xã; đạt nhiều kết quả phấn khởi, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Qua đó, mong muốn tỉnh An Giang quan tâm đến tình trạng già hóa lực lượng lao động nông thôn, còn thiếu mô hình sản xuất hiệu quả mang tính cộng đồng để có thể nhân rộng, khó khăn về đầu ra nông sản... Tổ công tác Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận các kiến nghị của tỉnh, sẽ có báo cáo Trung ương để chỉ đạo tháo gỡ về giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường phân cấp, phân quyền nhằm tăng hiệu quả triển khai tại địa phương...

NGÔ CHUẨN