Bảo đảm an toàn cho học sinh

20/10/2020 - 06:37

 - Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng mất an toàn trường học, như: cây cổ thụ bật gốc đè gây thương vong học sinh hay việc tổ chức đưa đón trẻ em mầm non và học sinh bằng phương tiện xe ôtô xảy ra sự cố đáng tiếc... Đây là hồi chuông cảnh báo về công tác bảo đảm an toàn trong trường học.

Ngày 26-5, cây phượng vĩ 24 năm tuổi trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) đã bất ngờ bật gốc, ngã đè 18 học sinh, khiến 1 học sinh tử vong và 17 em bị thương. Thực tế, thời gian gần đây, một số nơi đã xảy ra tai nạn đáng tiếc khiến học sinh, phụ huynh và cộng đồng lo lắng. Anh Trần Minh Long (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Sau sự việc ở TP. Hồ Chí Minh, tôi khá lo lắng, mùa mưa bão đã đến, không biết các cây xanh tại các trường học có được kiểm tra, bảo đảm an toàn không. Qua quan sát, tôi thấy những nơi gần cổng trường, cũng như trong khuôn viên trường thường có nhiều cây xanh, trong đó có cả cây cổ thụ. Tâm lý các học sinh sẽ đến những gốc cây đứng nghỉ chân, tránh nắng, trú mưa… Vì vậy, rất mong nhà trường phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, có biện pháp vừa giữ cây xanh, vừa đảm an toàn cho học sinh, giáo viên”.

Điều anh Long lo lắng là có cơ sở, vì những cây có thân to thường mục rỗng từ bên trong, rễ cây trồi lên khỏi mặt đất, tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ, bật gốc nếu không được thường xuyên kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, thời gian qua, tại không ít cơ sở giáo dục, một số công trình xây dựng, biển hiệu, các trang thiết bị phòng học, hệ thống điện thắp sáng... sau thời gian sử dụng có biểu hiện xuống cấp, nguy cơ xảy ra tai nạn, gây mất an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong quá trình tham gia hoạt động tại đơn vị.

Thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất, cây xanh trong trường để góp phần đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên

Để đảm bảo an toàn trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đã yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh. Theo đó, tổ chức tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trường, lớp, các thiết bị đã lắp đặt trong phòng học, phòng học bộ môn nhằm đánh giá chất lượng các công trình xây dựng trong nhà trường (nhất là trong mùa mưa bão).

Có kế hoạch cải tạo, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh tại đơn vị. Chấn chỉnh việc trồng, chăm sóc, bảo quản cây xanh trong trường học. Có kế hoạch trồng mới, thay thế dần các loại cây không nằm trong danh mục cho phép; thường xuyên tổ chức kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các cây có nguy cơ đổ ngã, gây mất an toàn cho thầy, cô giáo và học sinh.

Tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trong ngành giáo dục. Thường xuyên nhắc nhở học sinh không chơi các trò chơi nguy hiểm, như: nô đùa, chạy nhảy ở hành lang các tầng cao, leo trèo tường rào, lan can, những công trình đang thi công… Khuyến cáo các em tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng. Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh trong các giờ sinh hoạt tập thể hoặc ở các thời điểm thích hợp.

Hạn chế học sinh tụ tập trước cổng trường gây mất an toàn giao thông và không đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Khi đưa đón bằng xe ôtô phải thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh. Trong đó, phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh. Phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông tham gia đưa đón học sinh bằng xe ôtô, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Lưu ý, đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển của học sinh trong mùa nước nổi (bằng đò ngang, đò dọc...), nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc khi học sinh đến trường.

THU THẢO