Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Bảng giá đất được xây dựng hằng năm và áp dụng từ ngày 1/1/2026 nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; đồng thời, giúp giảm tranh chấp, khiếu kiện đất đai và thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.
Đối với quy định các tỉnh, thành phải điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực tế, có những tỉnh dùng hệ số điều chỉnh và mỗi năm ban hành một hệ số, không điều chỉnh bảng giá gốc. Tuy nhiên, khi căn cứ theo Luật Đất đai 2024, việc tính giá đất không được nhân với hệ số điều chỉnh sẽ khiến mặt bằng giá xuống thấp. Do đó, các địa phương cần điều chỉnh bảng giá đất trong thời gian tới.
“Hiện đã có 25/63 tỉnh thành điều chỉnh bảng giá đất và con số này sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường… là bài toán khó, nhất là khi thị trường đang nhiễu loạn thông tin và thiếu tính ổn định”, ông Lê Văn Bình nói.
Để bảng giá đất thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện hệ thống định giá đất; trong đó, xem xét việc triển khai đồng bộ của các địa phương. Đội ngũ tư vấn định giá đất cũng cần đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Từ góc độ liên quan đến thị trường bất động sản, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện các địa phương đang xác định giá đất theo từng khu vực, tuyến đường và vị trí nhiều hơn là theo mục đích sử dụng đất và khả năng sinh lời trên thực tế. Trong khi đó, đối với đất sản xuất kinh doanh, giá đất cần được xác định trên cơ sở giá trị sinh lời của thửa đất đó tùy theo mục đích sử dụng.
Đối với trường hợp đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ theo tuyến đường, việc xét vị trí đất chưa thực sự tuân thủ theo nguyên tắc thị trường và lý thuyết chung về các phương pháp áp dụng (phương pháp thu nhập và phương pháp thặng dư)... Việc điều chỉnh bảng giá đất có biên độ tăng cao như hiện nay sẽ tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm (được áp dụng giá quy định trong bảng giá đất tại điều 159 Luật Đất đai 2024) khi tiền thuê đất tăng đột biến, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, bên cạnh việc điều chỉnh giá đất tại các địa phương, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương quy định cụ thể, chi tiết hơn giá của từng loại đất trong nhóm đất "sản xuất kinh doanh không phải là đất thương mại dịch vụ" đúng theo nguyên tắc "bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư", phù hợp với khả năng sinh lời của đất đai thay vì gộp chung các loại đất trong nhóm này để áp một mức giá chung. Với các loại đất không tạo ra giá trị sinh lời cao mà hướng đến phục vụ cộng đồng nhiều hơn, ông Thịnh đề xuất xem xét giảm, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho doanh nghiệp.
Theo TTXVN