Neo đậu tàu thuyền tránh bão. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Do ảnh hưởng của bão, từ trưa 18-7, trên đất liền các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10.
Các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to trở lại. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở cấp 3.
Hồi 13 giờ ngày 17-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 115,9 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 550km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km-giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển rất nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km, khoảng sáng 18-7 bão số 3 sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ.
Đến 13 giờ ngày 18-7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh khoảng 150-180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có mưa dông mạnh; gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ từ gần sáng và ngày 18-7 có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 4-6m. Biển động mạnh.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới với gió mạnh cấp 6 trở lên từ vĩ tuyến 17,5 đến 21,5 độ Vĩ Bắc.
Dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; khoảng chiều và tối 18-7, vùng tâm bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 1 giờ ngày 19-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km-giờ), giật cấp 7.
Dự báo trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, suy yếu và tan dần trên khu vực Thượng Lào.
Trong khi đó, đến chiều 17-7, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình đã suy yếu thành một vùng áp thấp ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới 40km-giờ. Vùng áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu thêm và và tan dần.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của áp thấp, mưa ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang rất to, nước ngập sâu ở các tuyến đường đô thị ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống người dân. Lũ trên các sông ở Hà Tĩnh lên nhanh nên chính quyền và người dân cần đề phòng sạt lở đất, lũ quét.
Theo VIETNAM+