Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc là vấn đề cấp thiết

19/04/2021 - 14:33

Di sản văn hóa tạo nên bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc là tiếng nói, chữ viết, lễ hội, kiến trúc, trang phục… Các giá trị văn hóa này do các cộng đồng dân tộc thiểu số sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn, phát triển, là những yếu tố làm nên giá trị đặc sắc của mỗi cộng đồng.

Tuy nhiên, sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống cùng với những tác động của trong quá trình hội nhập… đã khiến cho văn hóa truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số bị mai một, đòi hòi cần phải bảo tồn một cách cấp thiết.

Mai một văn hóa dân tộc

Chú thích ảnh

Trang phục của người Dao Đỏ tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Đối với đồng bào Mông ở vùng núi phía Bắc, âm nhạc đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tình yêu, hôn nhân. Trước kia, ở các phiên chợ các chàng trai, cô gái người Mông thường thổi kèn lá để tìm bạn tình. Khi yêu nhau, họ dùng tiếng sáo, dùng đàn môi để bày tỏ tình cảm với người yêu. Đi chơi hội Gầu tào, họ dùng đàn ống để làm phương tiện chuyển tải tình cảm của mình…

Nhưng bây giờ, khi các phương tiện thông tin hiện đại ra đời, người ta đã không còn dùng tiếng khèn, tiếng sáo nữa. Có thời kỳ họ mang theo cả cát sét, mở đài thay cho những nhạc cụ dân tộc, còn bây giờ, họ dùng cả điện thoại di động... Cứ như vậy, việc thổi kèn, thổi sáo hay hát tỏ tình đang bị mai một trong cuộc sống.

Không chỉ ở cộng đồng người Mông, trong các cộng đồng Thái, Mường, Tày, Cao Lan… nghệ thuật hát giao duyên, hát dân ca, dân vũ, hay sử dụng nhạc cụ dân tộc… cũng đang mất dần trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Không chỉ mai một về âm nhạc, ngay cả tiếng nói, một thành tố cơ bản của văn hóa dân tộc, là tiêu chí quan trọng để xác định thành phần tộc người, cũng đã bị mai một hoặc có nguy cơ mai một. Theo ông Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hiện nay nhiều dân tộc không còn nói tiếng mẹ đẻ. Đơn cử, dân tộc Bố Y có trên 2.000 người, thuộc 2 nhóm địa phương là Tu Dí (ở Lào Cai) và Bố Y (ở Hà Giang). Hiện nay, người Bố Y ở Lào Cai không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan Hỏa (tiếng Hán phương Nam), còn người Bố Y ở Hà Giang lại chủ yếu nói tiếng Giáy và tiếng Tày… Ở một số địa phương khác thuộc vùng Tây Bắc các dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao dịch...

Không riêng gì ngôn ngữ, các thành tố văn hóa khác như trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội… của các dân tộc này đều đã mai một nghiêm trọng. Lên thăm vùng Tây Bắc bây giờ, chỉ có các nhà dân tộc học, hoặc những người am hiểu sâu sắc về văn hóa tộc người, mới phân biệt được nhà sàn của người Kháng, người La Ha khác với người Thái thế nào… Khi tham dự một số lễ hội, xem nghi lễ tín ngưỡng của người Kháng, người La Ha, người Xinh Mun… không ít người lại nghĩ đó là sinh hoạt văn hóa của người Thái. Một ví dụ khác, dân tộc Ơ Đu cư trú đông nhất ở huyện Tương Dương (Nghệ An). Hiện nay, từ nhà cửa, trang phục, cưới hỏi, ma chay… của người Ơ Đu đều pha trộn, vay mượn của người Thái và người Khơ Mú trong vùng. Họ cũng dùng các tiếng Khơ Mú, Thái làm công cụ giao tiếp hàng ngày.  

Những ví dụ trên chỉ là những điển hình rất nhỏ về thực trạng mai một bản sắc văn hóa của một số đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Trên thực tế, hiện nay, nhiều dân tộc chỉ còn lại khoảng vài chục người già, cao tuổi biết tiếng của dân tộc mình, rồi những lễ hội truyền thống, những tục lệ đẹp nhiều khi chỉ còn trong trí nhớ của già làng, trưởng bản mà thôi.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thừa nhận, quá trình đô thị hóa cùng sự bùng nổ thông tin bởi công nghệ hiện đại, sự giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh khiến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức lớn do chưa giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển. Hàng nghìn buôn, bản, làng truyền thống với giá trị văn hóa tiêu biểu cho các dân tộc đang có nguy cơ biến mất, hoặc biến dạng rất cần được hướng dẫn, hỗ trợ để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại.  

Cấp thiết bảo tồn văn hóa dân tộc

Chú thích ảnh

Truyền dạy nghề dệt tổ cẩm cho thế hệ trẻ. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng việc bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số đã ở mức rất cấp thiết, nhưng đây là công việc bền bỉ, cần phải được làm bài bản từ cấp trung ương đến địa phương.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc, từ Trung ương đến địa phương như bảo tồn các buôn làng truyền thống, bảo tồn dân ca dân vũ, sưu tầm, phục hồi, phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền, phục dựng một số lễ hội truyền thống...

Nhiều đề án bảo tồn văn hóa dân tộc cũng đã được triển khai như Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Đề án mỗi dân tộc có một làng văn hóa bảo tồn, đề án bảo tồn văn hóa của các dân tộc ít người đang bị mai một lớn nhất… Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cũng đã tổ chức hàng chục lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào các dân tộc ít người như dân tộc Lô Lô, dân tộc Mảng, dân tộc Ngái, dân tộc Bố Y… nhằm giúp đồng bào nâng cao năng lực bảo vệ văn hóa dân tộc mình.

Gần đây nhất, đầu năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 209/QĐ- BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Năm 2020, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan Văn hóa, thể thao du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030”.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng liên tục ban hành các quyết định liên quan đến bảo tồn di sản văn hoá dân tộc như: kế hoạch xây dựng Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”; tổ chức lớp tập huấn về bảo tồn tiếng nói, chữ viết đối với dân tộc Cơ Tu (tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam); tổ chức lớp tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá của dân tộc Mạ ở vùng di dân tái định cư thuỷ điện huyện Đắk G’long tỉnh Đắk Nông; xây dựng câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ dân gian dân tộc Sán Dìu tại tỉnh Thái Nguyên…

Các địa phương cũng từng bước nhận thức được những giá trị của việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa các dân tộc, nên đã tiến hành phục dựng nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, lập hồ sơ, trình Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhiều cuốn sách về bảo tồn văn hóa các dân tộc cũng được các nhà nghiên cứu xuất bản, lưu giữ… góp phần không nhỏ vào công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị văn hóa của đồng bào.

Chú thích ảnh

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2005, đến năm 2008 được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN

Theo Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, trong việc bảo tồn văn hóa, sự tham gia của cộng đồng người dân là yếu tố quyết định, vì đồng bào chính là chủ nhân của di sản. Tuy nhiên, để bảo tồn văn hóa truyền thống của một dân tộc, bản thân dân tộc đó phải có bản lĩnh. Có nghĩa là, dân tộc đó cần nâng cao năng lực tự bảo vệ, bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn văn hóa phải vừa định hướng, vừa gợi mở, đồng thời tuyên truyền cho đồng bào hiểu và chủ động tham gia. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, đầu tư kinh phí, để bà con thực hiện, bởi bảo tồn để phát triển cần đầu tư nhiều, cả trong nghiên cứu, đầu tư cả trong thực thi, đầu tư cả xây dựng môi trường bảo tồn di sản văn hóa đó.

Theo ông Sơn, có nhiều cách bảo tồn, nhưng trong văn hóa có phương pháp bảo tồn sống, nghĩa là cả cộng đồng sống trong môi trường văn hóa để bảo tồn là tốt nhất. Tuy nhiên, cách bảo tồn như vậy trong điều kiện hiện nay là rất khó. Nhưng chúng ta có thể xây dựng, gìn giữ một làng, bản nguyên vẹn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để vừa bảo tồn sống, vừa bảo tồn theo kiểu bảo tàng, như quay phim, chụp ảnh tư liệu về tất cả các nghi lễ, nghi thức cũng như cuộc sống sinh hoạt của dân tộc đó, lưu giữ lại, để sau này con cháu muốn tìm hiểu, có thể xem lại… đó là một cách bảo tồn rất tốt, được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Cùng với những chính sách về bảo tồn, các địa phương cũng cần có chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số; xây dựng, thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi những người có uy tín trong cộng đồng, nghệ nhân, già làng trưởng bản… những người có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, để nâng cao hơn nữa việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Theo PHƯƠNG LAN (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích