Nhiều nghệ sỹ, người yêu hát bội tại Thành phố Hồ Chí Minh đang chung tay nỗ lực bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Nỗ lực sáng tạo để thu hút khán giả
Những ngày này, các sinh viên thuộc Khoa Quản trị truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh đang ráo riết chuẩn bị cho ngày ra mắt phim ngắn về hát bội có tên “Trăm năm một cõi”. Với độ dài từ 8 - 10 phút, phim ngắn có sự quy tụ của những nghệ sỹ nổi tiếng trong lĩnh vực hát bội như: Nghệ sỹ Bảo Châu, Hoàng Tuấn, diễn viên Trịnh Tấn, Ngọc Quyên... cùng sự phối hợp của Nhà hát nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh. Phim dự kiến công chiếu vào 2 ngày 19 và 20/7.
Trước đó, nhóm sinh viên này đã tổ chức Triển lãm gồm những sản phẩm về nghệ thuật hát bội đến từ những tổ chức, cá nhân khác nhau, các sản phẩm khác đến từ “Gánh Hát lưu diễn muôn phương”, những tác phẩm của nền tảng giáo dục “Vang Vọng Trống Chầu” và các sản phẩm “Bội ký”. Những hoạt động nói trên nằm trong chuỗi dự án “Se sợi kết tâm”.
Bạn Nguyễn Hữu Trường, Trưởng dự án “Se sợi kết tâm” chia sẻ: “Khi được tìm hiểu tài liệu, được nghe những nghệ nhân lão làng kể về hát bội và những khó khăn khi không còn nhiều người muốn duy trì loại hình nghệ thuật này, nhóm đã ấp ủ ý định thực hiện dự án quảng bá, nhằm thay đổi nhận thức của người trẻ. Từ đó, dần hình thành mối quan tâm và động lực để các bạn theo đuổi dự án".
Tương tự, Hiếu Văn Ngư (Cultura Fish) là dự án “Kể chuyện văn hóa Việt cho người trẻ” do Lục Phạm Quỳnh Nhi và nhóm bạn sáng lập. Hiện Hiếu Văn Ngư thường xuyên tổ chức các hoạt động workshop về ca cổ, chương trình field-trip (chuyến đi thực tế) khám phá bản sắc cá nhân và các khóa học thưởng thức sân khấu cổ điển để bạn trẻ có thể hiểu về các loại hình sân khấu truyền thống, dân gian một cách bài bản. Mới đây, “Hát bội 101” cũng được nhóm bạn này tổ chức với các hoạt động đa dạng như: đăng bài viết, infographic trên website, fanpage của Hiếu Văn Ngư; workshop trải nghiệm các chất liệu của hát bội như vẽ mặt, y quan, phục trang, âm nhạc…
Trước đó, "Vẽ về hát bội" là một dự án đưa loại hình nghệ thuật này đến với người trẻ thông qua một triển lãm với 44 tác phẩm do 2 họa sĩ trẻ Huỳnh Kim Nguyên và Phùng Nguyên Quang khởi xướng. Dự án có sự tham gia của 40 họa sỹ trẻ cùng 100 nhân sự từ Nam ra Bắc cùng thực hiện, gây tiếng vang lớn vào tháng 2/2018. Toàn bộ tác phẩm sau đó được đưa lên mạng để công chúng thưởng lãm. Nối tiếp thành công của triển lãm, các bạn trẻ cũng cho ra mắt sách ảnh cùng tên vào tháng 10/2018.
Có thể thấy, từ sự rung cảm trước loại hình nghệ thuật truyền thống, những bạn trẻ đã và đang nỗ lực mang đến những góc nhìn mới để đưa hát bội đến gần hơn với công chúng. Trong đó, các dự án đều mang yếu tố mới mẻ, trẻ trung, giản lược bớt những yếu tố phức tạp để công chúng khi xem có thể tiếp nhận dễ dàng.
Kết nối giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại
Nhiều chuyên gia cho rằng, để việc quảng bá hát bội có sức lan tỏa mạnh, hiệu quả, hành động của từng nhóm, đơn vị hoặc cá nhân là chưa đủ. Nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa hát bội biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật, văn hóa lớn hay tại các trường học. Tuy nhiên, công tác truyền thông, quảng bá vẫn còn yếu. Do đó, để hát bội cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác có sức sống lâu bền, địa phương cần phải có kế hoạch dài hơi để các cấp, ngành cùng tham gia.
Từng đồng hành với các sinh viên trong Chương trình hát bội với chủ đề “Giữ lửa ngàn năm”, Nghệ sỹ Ưu tú Ngọc Khanh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, hát bội cũng như một số loại âm nhạc cổ truyền khác đang rơi vào tình trạng mai một vì không còn nhiều người theo đuổi, truyền bá và gìn giữ. Tuy nhiên, những bạn trẻ tâm huyết, nhiệt thành đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng. Điều này cho thấy, nhiều người trẻ không hề quay lưng lại với loại hình nghệ thuật truyền thống. Với họ, nghệ thuật truyền thống vẫn đang âm ỉ cháy, nếu được khơi gợi sẽ phát triển không ngừng và được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
“Chúng ta nên có niềm tin rằng, hát bội vẫn sẽ “sống” theo một cách khác, vẫn giữ được những giá trị truyền thống nhưng được khoác lên lớp áo mới hơn, trẻ hơn. Chính những dự án của các bạn trẻ đã góp phần tạo lối ra tốt cho nghệ thuật truyền thống, tạo ra một thế hệ khán giả trẻ, cũng như có thêm nhiều đất diễn, tạo chất xúc tác mạnh để các nghệ sỹ gắn bó hơn với nghề và tiếp tục ra đời nhiều vở hay hơn nữa”, Nghệ sỹ Ưu tú Ngọc Khanh cho hay.
Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị luôn hoan nghênh và chào đón những người trẻ tìm đến với loại hình nghệ thuật này. Sức trẻ, sự sáng tạo của các bạn có thể “chắp cánh” giúp môn nghệ thuật này phát triển, đến gần người trẻ hơn. Việc quảng bá, truyền thông là công tác rất quan trọng để giới thiệu hát bội đến với công chúng. Nhà hát đã sử dụng mạng xã hội để đăng hình ảnh, chia sẻ thông tin về các buổi biểu diễn, với hy vọng ngày càng có nhiều người biết và nhớ đến bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Cùng với đó, Nhà hát nghệ thuật hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì các suất diễn tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) và Thảo Cầm Viên (Quận 1)… vào mỗi cuối tuần. Trước buổi biểu diễn, đơn vị thường tổ chức giao lưu về cách thức hóa trang nhân vật, trình diễn nhạc cụ dân tộc… để khán giả có thể tìm hiểu và yêu thích hơn loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này.
Những giá trị thực của nghệ thuật hát bội vẫn mãi ở đó, không thể mất đi một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, loại hình nghệ thuật này đang ở trong giai đoạn khó khăn. Vì thế, hơn bao giờ hết, nghệ thuật hát bội cần được phát huy và lưu giữ. Những dự án, chương trình của các bạn trẻ trong thời gian qua sẽ là cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữa nghệ sỹ với khán giả… góp phần đưa hát bội đến gần hơn với công chúng.
Theo TTXVN