Bảo vệ môi trường theo cách của phụ nữ

12/06/2019 - 07:48

 - Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Tân phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện mô hình “Phụ nữ nói không với túi ny-lon”. Các chị thực hành trong đời sống qua từng việc nhỏ, từ đi chợ, sinh hoạt gia đình, họp nhóm phân loại rác thải bán gây quỹ… không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực, mà còn nhân rộng trên địa bàn, góp phần thay đổi ý thức của cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Tân Nguyễn Thị Mỹ Thanh cho biết, khởi đầu mô hình “Phụ nữ nói không với túi ny-lon” thực hiện tại xã Hiệp Xương, có 100 chị tham gia. Các chị được trang bị kiến thức, tặng giỏ xách và đăng ký không sử dụng túi ny-lon. Chỉ sau thời gian ngắn, những chiếc hộp, chiếc giỏ nhựa trở thành vật dụng không thể thiếu mỗi lần đi chợ của chị em. Các chị chia sẻ, ngày xưa, phụ nữ đi chợ chỉ có giỏ xách nhựa hoặc giỏ đệm bàng, thực phẩm gói trong các loại lá. Đời sống ngày càng phát triển, túi ny-lon thay thế mọi thứ, tiện dụng một thời gian mới thấy tác hại vô cùng. Bây giờ quay lại xài giỏ nhựa đi chợ là cách trở về truyền thống, dần dần hình thành thói quen. Có chị còn nói, hôm nào đi làm, tiện đường ghé ngang chợ không có giỏ nhựa liền bị người bán nhắc nhở. Mỗi ngày vài cái túi ny-lon bỏ ra môi trường, lâu ngày tích góp thì số lượng nhiều vô kể, chúng còn nằm lại trong đất, trong nước đến hàng trăm năm. Giờ thực hiện theo cách ngược lại, hành động nhỏ hàng ngày bớt đi vài cái túi, phân loại rác và xử lý đúng chỗ, qua nhiều tháng, nhiều năm sẽ thấy ích lợi không hề nhỏ.

Bảo vệ môi trường theo cách của phụ nữ

Phụ nữ xã Hiệp Xương đi chợ sử dụng giỏ xách thay túi ny-lon

Kế đến, Hội LHPN huyện Phú Tân triển khai mô hình “Phân loại rác tại nguồn” ở xã Phú Xuân cho 200 hội viên tham gia. Chị em được trang bị kiến thức, tặng 200 sọt rác sử dụng tại nhà để phân loại rác hữu cơ, trong đó có thể tận dụng ủ làm phân bón cây trồng, tăng độ mùn cho đất. Đồng thời, các chị còn phân loại rác thải nhựa, các phế liệu không phân hủy để gom tập trung bán lấy tiền gây quỹ. Số tiền tuy không lớn nhưng đã lần lượt giúp được hội viên nghèo hoặc các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ ý nghĩa đó, nội dung bảo vệ môi trường được Hội LHPN huyện Phú Tân sinh hoạt thường xuyên, khuyến khích các xã, thị trấn thực hiện, nhân rộng, hướng dẫn và phát triển thêm thành viên vào mô hình tại địa phương.

Thị trấn Chợ Vàm là một trong những địa phương vừa hưởng ứng thực hiện từ tháng 5-2019 với tên gọi “Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ny-lon khi đi chợ” tại ấp Phú Vinh. Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Chợ Vàm Phan Thị Bích Liễu cho biết, trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản với tổng số 10 thành viên, mỗi chị được tặng 1 giỏ xách, trang bị kiến thức để hiểu rõ hậu quả của việc lạm dụng túi ny-lon trong sinh hoạt. Các chị sẽ là “tuyên truyền viên” vận động người thân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương, trước hết là làm tốt ngay trong gia đình. Sau thời gian theo dõi, chị Phan Thị Bích Liễu đánh giá: “Chị em thực hiện rất nghiêm túc, tuy chưa thể bỏ hoàn toàn việc sử dụng túi ny-lon trong sinh hoạt, nhưng mỗi buổi đi chợ đã hạn chế từ 3-5 túi ny-lon, chỉ sử dụng khi mua thịt, cá. Con số này nhân lên trong nhiều ngày sẽ rất đáng kể. Hội đang có kế hoạch nhân rộng ở các ấp còn lại”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Nguyễn Thị Mỹ Thanh cho biết, các hoạt động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường lan tỏa ở nhiều xã, thị trấn với các tên gọi khác nhau. Đặc biệt, vai trò đi đầu là cán bộ phụ nữ ở xã, ấp phải nêu gương. Như tại xã Phú Long thành lập Câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ny-lon, có 30 thành viên tham gia. Các chị vừa thực hiện, vừa tuyên truyền, vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường. Ai cũng đồng tình cho rằng, mọi người chỉ chú trọng những công việc chính cần làm, mà ít bận tâm đến rác, huống hồ là làm việc với… rác, phải phân loại, phải bỏ đúng nơi, xử lý đúng cách. Nhờ tính tỉ mỉ sẵn có của phụ nữ, các chị tập dần thành thói quen mặc định, không phải nhớ nữa. Mỗi người chỉ cần một hành động nhỏ hàng ngày sẽ góp phần thay đổi tích cực trong ý thức và thói quen cộng đồng cùng sống trách nhiệm hơn với môi trường.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích