Bảo vệ tốt vụ thu đông 2021

23/12/2021 - 06:26

Mặc dù bị ảnh hưởng thời tiết, năng suất lúa vụ thu đông 2021 thấp hơn cùng kỳ, nhưng bù lại, giá bán tốt và tiêu thụ thuận lợi. Đây là động lực để ngành nông nghiệp và nông dân tiếp tục triển khai sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 theo kế hoạch.

An Giang bảo vệ tốt sản xuất vụ thu đông 2021

Lúa được tiêu thụ tốt

Canh tác giống lúa Đài Thơm 8, vụ thu đông này, lúa của nông dân Huỳnh Văn Hòa (xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) được thương lái đến ruộng mua lúa tươi giá 6.100 đồng/kg. “Năm nay, đến tháng 11 mà vẫn còn mưa liên tục, thu hoạch rất khó khăn, lúa bị hao hụt nhiều. Ruộng của tôi thu hoạch gần 600kg/công, bán được khoảng 3,6 triệu đồng/công. Giá lúa năm nay cao, nhưng giá phân bón tăng mạnh quá, mỗi bao phân tốn cả triệu đồng (loại 50kg). Mần 20 công ruộng, tính ra chỉ lời hơn 10 triệu đồng, coi như còn vốn sản xuất vụ sau” - ông Hòa chia sẻ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang cho biết, vụ thu đông 2021, toàn tỉnh xuống giống 161.103ha lúa, nếp. Đến nay, nông dân thu hoạch gần xong, ước năng suất lúa bình quân 5,99 tấn/ha, sản lượng khoảng 966.300 tấn. So với vụ hè thu 2021, vụ thu đông này tiêu thụ thuận lợi hơn do điều kiện đi lại thông thoáng. Toàn bộ sản lượng được thương lái thu mua hết. Giá lúa, nếp vụ thu đông 2021 duy trì ở mức khá. Trong đó, giống OM18 giá 6.000 - 6.200 đồng/kg, IR50404 giá 5.400 - 5.500 đồng/kg, OM5451 từ 5.600 - 5.800 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 5.900 đến 6.200 đồng/kg, OM380 giá 5.400 - 5.600 đồng/kg; nếp AG từ 5.100 - 5.200 đồng/kg, nếp Long An từ 5.400 - 5.500 đồng/kg (tính giá lúa, nếp tươi).

Ngoài thương lái, diện tích liên kết tiêu thụ vụ thu đông 2021 đạt 15.298ha. Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình liên kết sản xuất LT123 được 10.899ha, ước sản lượng 65.285 tấn; Công ty Lương thực Tấn Vương liên kết 450ha, ước sản lượng khoảng 2.695 tấn; Công ty Agimex liên kết 236ha; Công ty Phước Thịnh 160ha; Doanh nghiệp tư nhân Minh Phát 300ha và 123ha tại Hợp tác xã SXDV Tân Lập (huyện Tịnh Biên); doanh nghiệp khác 3.130ha. Nét nổi bật của vụ thu đông 2021 là diện tích áp dụng “1 phải, 5 giảm” đạt 85.290ha (chiếm 52,9% diện tích xuống giống), trong khi diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng” đạt 145.893ha (90,5% diện tích).

Đối với rau màu vụ thu đông 2021, đã thu hoạch cơ bản diện tích xuống giống (13.165ha). Trong đó, diện tích liên kết đạt 3.712ha  (Công ty Antesco 1.300ha, Công ty Nam Phương 800ha, còn lại là hộ kinh doanh liên kết). Giá các loại rau màu được duy trì ở mức khá, tình hình tiêu thụ tương đối tốt. Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã luôn cập nhật tình hình tiêu thụ mỗi ngày, nhằm kịp thời định hướng và hỗ trợ nông dân.

Đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng

Đây là hoạt động tiên phong của An Giang sau khi ký kết hợp tác với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn). Chi cục TT&BVTV An Giang cho biết, thời gian qua, đơn vị phối hợp cấp được 30 mã số (code) vùng trồng lúa, nếp cho Tập đoàn Lộc Trời. Đây được xem là những mã số đầu tiên được cấp cho lúa, nếp, hướng đến truy xuất nguồn gốc, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm chủ lực này.

Mới đây, Chi cục TT&BVTV An Giang tiếp tục hoàn thành hồ sơ tái chứng nhận 11 mã số vùng trồng xoài ở huyện Chợ Mới, An Phú và TP. Châu Đốc. Lũy kế đến nay, An Giang đã cấp 148 mã số vùng trồng trên cây ăn trái (137 mã số xoài, 7 mã số chuối, 4 mã số mít và 20 mã số cho cơ sở đóng gói). Cụ thể, 137 mã số vùng trồng xoài có diện tích 6.734ha, chiếm 37% tổng diện tích cây ăn trái. Trong đó, có 104 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, diện tích 1.973ha (66 mã số do doanh nghiệp đứng đại diện, 38 mã số do hợp tác xã, tổ hợp tác đứng đại diện). Có 30 mã số vùng trồng xoài đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, diện tích 4.558ha.

Ngoài ra, còn có 2 mã số vùng trồng đăng ký xuất khẩu sang thị trường EU với diện tích 21,8ha của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (đăng ký trên xoài keo tại huyện An Phú); 1 mã số vùng trồng xoài sang thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh đó, có 7 mã số vùng trồng cho chuối với diện tích 446ha (tập trung ở huyện Tri Tôn); 4 mã số vùng trồng cho mít với diện tích 86ha (TP. Châu Đốc, huyện Chợ Mới, TX. Tân Châu).

Theo Chi cục TT&BVTV An Giang, vụ đông xuân 2021-2022, tỉnh có kế hoạch xuống giống khoảng 230.885ha lúa, nếp. Lũy kế đến ngày 15-12, diện tích xuống giống khoảng 81.710ha (đạt 35,39% kế hoạch), so cùng kỳ xuống giống chậm hơn 27.369ha. Ghi nhận trên lúa đông xuân 2021-2022, có 523ha nhiễm đối tượng gây hại (chuột, đạo ôn lá, sâu cuốn lá), mức độ gây hại nhẹ. Dự báo thời gian tới, ốc bươu vàng, đạo ôn lá có thể gây hại giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Ngoài ra, qua theo dõi lấy số liệu từ bẫy đèn trong toàn tỉnh, cao điểm rầy nâu vào đèn cao nhất 2.800-3.000 con/bẫy/đêm. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện, phòng trừ dịch hại trên trà lúa vụ đông xuân 2021-2022.

NGÔ CHUẨN