Bảo vệ và đấu tranh

06/12/2023 - 06:45

 - Đó là 2 biểu hiện rõ nét nhất cho một chữ “yêu”. Yêu ai đó, yêu điều gì đó, mỗi người sẽ tự giác che chở, bảo vệ cho điều mình yêu. Mở rộng ra, tình yêu quê hương, đất nước, yêu chế độ XHCN, yêu Đảng… của từng cán bộ, đảng viên, người dân cũng cần đi kèm bản lĩnh bảo vệ, đấu tranh.

Nghị quyết “sống còn”

Ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, xác định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQVN và tổ chức chính trị - xã hội các cấp”.

Đại biểu tham dự tập huấn

Nghị quyết xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cấp bách: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, qua đó góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện; triển khai bài bản với hình thức, cách làm sáng tạo, đa dạng, phong phú. Qua đó, góp phần đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là tiền đề quan trọng để nền kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Đời sống của Nhân dân được nâng cao; hoạt động tôn giáo, dân tộc được tôn trọng, tạo điều kiện thực hiện; an sinh xã hội được chăm lo… Dư luận xã hội trong nội bộ và tầng lớp nhân dân phấn khởi, tin tưởng, đoàn kết, chung tay xây dựng, phát triển quê hương.

Đạt được kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, còn có vai trò quan trọng của ban chỉ đạo 35 các cấp, lực lượng tham mưu, giúp việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, Nhân dân nâng cao nhận thức; tích cực đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; tạo được thế trận lòng dân vững chắc trên không gian mạng.

“Xây dựng trận địa”

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai nghị quyết còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất định, như: Chất lượng, hiệu quả tin, bài từng lúc, từng nơi chưa đáp ứng yêu cầu; tính thuyết phục, sức hấp dẫn, tính chiến đấu chưa cao, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền, đấu tranh phản bác chưa được như mong đợi” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 35 tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhìn nhận.

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là trên không gian mạng. Muốn “chiếm lĩnh” trận địa này, trước hết cần có thật nhiều bài viết chất lượng, thuyết phục, thu hút được sự quan tâm chú ý của cộng đồng. Vì vậy, đầu tháng 12/2023, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ đặc biệt này cho hơn 500 cán bộ, đảng viên là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký, Nhóm chuyên gia 35 tỉnh; huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; cán bộ, phóng viên cơ quan báo chí.

Trao đổi chuyên đề “Kỹ năng, phương pháp viết tin, bài trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác thông tin xấu độc trên báo chí, Internet, mạng xã hội”, đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ (chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân) cho biết, các thế lực thù địch sử dụng nhiều cách chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, như: Sử dụng, nhân rộng mạng lưới cộng tác viên viết bài, đưa tin chống phá ta; sử dụng thông tin chống phá của các quốc gia, tổ chức lớn trên thế giới, cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng lớn trong và ngoài nước; tạo tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, chia sẻ thông tin; nắm bắt, tận dụng thời điểm quan trọng, lợi dụng vấn đề, sự cố lớn của đất nước để phát tán thông tin xuyên tạc, chống phá… Tất cả là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, lẫn lộn đúng sai, thật giả (hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch).

“Do đó, cần phối hợp nhiều phương pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực. Đó là kết hợp “xây” và “chống”, “xây” là chủ yếu, “chống” thì quyết liệt, hiệu quả; quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm của công dân, nâng cao khả năng “miễn nhiễm” quan điểm sai trái, thù địch. Đa dạng hóa phương pháp đấu tranh; sử dụng đồng bộ phương tiện thông tin đại chúng; tận dụng sức mạnh ở mỗi người dân. Ngoài ra, cần tích cực, chủ động sử dụng không gian mạng, kịp thời cung cấp thông tin chính thống” - nhà báo Đỗ Phú Thọ gợi mở.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Lê Văn Nưng đề nghị: “Ngay sau hội nghị này, lãnh đạo địa phương, đơn vị, thành viên ban chỉ đạo 35 các cấp trong tỉnh tiếp tục lan tỏa, hướng dẫn, chia sẻ nội dung, kiến thức cho lực lượng trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Để phát huy tốt hiệu quả tin, bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, ngành; thực hiện quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm; tham mưu cấp ủy Đảng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhân rộng gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc tích cực chia sẻ, lan tỏa thông tin chính thống trên không gian mạng; thiết lập, sử dụng tài khoản cá nhân trên Internet, mạng xã hội”.

GIA KHÁNH