Đóng góp sửa đổi luật về tổ chức chính quyền địa phương, cán bộ, công chức

07/05/2025 - 19:11

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tham gia thảo luận tổ 16 về dự thảo nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Quang cảnh thảo luận tổ chiều 7/5

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương phát biểu thảo luận

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến phát biểu ý kiến

Góp ý dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương tán thành việc xây dựng dự án luật theo trình tự, thủ tục rút gọn (Điều 11). Đại biểu thống nhất bổ sung Khoản 4 Điều 11 (Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương), quy định trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, chủ tịch UBND cấp xã. Tuy nhiên, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung (hoặc giao cho Chính phủ hướng dẫn) quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn nội dung “trong trường hợp cần thiết”, để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã trước mắt cũng như lâu dài.

Về cơ cấu tổ chức của UBND cấp xã (Điều 39), cần cân nhắc để có sự linh hoạt, quy định rõ việc thành lập các cơ quan chuyên môn ở cấp xã sẽ được thực hiện như thế nào cho phù hợp với yêu cầu, khối lượng công việc và số biên chế tối thiểu được giao; cân đối từ số lượng lãnh đạo phòng với số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, thực sự phát huy hiệu quả trong tình hình mới, khi xác định cấp xã sắp tới sẽ là cấp trực tiếp thực thi và gần dân hơn, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Đóng góp dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến (Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) đồng tình với Điều 7 (Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân), trong đó khoản 3 ghi rõ “Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân”. Tuy nhiên, trong luật chưa quy định cụ thể trách nhiệm thực hiện nội dung này, nếu không sẽ rất khó thực hiện.

Điều 8 (Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ) quy định, khi có căn cứ cho rằng quyết định của cấp trên là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định. Đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho rằng, việc báo cáo bằng văn bản chưa phù hợp trong tình huống cấp thiết (giải quyết vấn đề quốc phòng – an ninh, cứu hộ cứu nạn, đang đi công tác ở vùng không đủ điều kiện gửi văn bản…), chưa phù hợp bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Cán bộ, công chức có nhiều cách để phản ánh ý kiến, không chỉ bằng văn bản. Do đó, cần quy định theo hướng mở hơn về hình thức báo cáo, thể hiện ý kiến (trước khi thi hành). Điều 9 (Nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu), cần bổ sung quy định “chịu trách nhiệm kết quả kiểm tra thi hành công vụ của cán bộ, công chức” song song với quá trình kiểm tra…

Cũng liên quan dự án luật này, đại tá Chau Chắc (Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) băn khoăn nhiều từ ngữ được giải thích, như “miễn nhiệm”, “từ chức”, “tạm đình chỉ công tác”…, nhưng lại thiếu giải thích “bãi nhiệm”. Khoản 4, Điều 7 quy định “Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật”, đề nghị bổ sung “…của Nhà nước”. Điều 19 (Thực hiện công tác cán bộ) quy định “Việc điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ và các nội dung khác liên quan đến công tác cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền”, cần sửa thành “Việc đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá đối với cán bộ…”.

GIA KHÁNH