Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Chung Ang, Trung tâm Ung thư Quốc gia và Viện Kim chi thế giới (Hàn Quốc) đã thử nghiệm trên chính món ăn quen thuộc của nước này là kim chi.
Bốn loại kim chi được chọn cho các thí nghiệm bao gồm kim chi truyền thống (làm từ cải thảo), kim chi củ cải, cùng hai loại kim chi nước (chỉ có một ít rau củ, còn lại là nước).
Hơn 115.000 người được tuyển chọn cho nghiên cứu, bao gồm hơn 36.000 nam giới và gầy 79.000 nữ giới, độ tuổi trung bình là 51.
Khẩu phần ăn hàng ngày của họ trong vòng một năm đã được đánh giá chi tiết bao gồm 106 món ăn khác nhau, tần suất ăn các món.
Kết quả cho thấy những người ăn 3 phần kim chi mỗi ngày (50 g/phần), nguy cơ béo phì và béo bụng thấp hơn trung bình 11% những người chỉ ăn 1 phần hoặc không ăn.
Trong đó, chỉ quý ông được hưởng lợi đối với tác dụng chống béo phì nói chung, còn tác dụng chống béo bụng thì cả nam lẫn nữ đều đạt được.
Tuy nhiên, nếu ăn trên 5 phần 1 ngày, nguy cơ béo phì - béo bụng lại tăng lên, có thể vì lý do đơn giản là người ăn quá nhiều kim chi thì cũng ăn nhiều các món khác.
Các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra tác dụng kỳ diệu này có thể đến từ Lactobacillus brevis và Lactobacillus plantarum, là hai loại vi khuẩn đã được phân lập từ kim chi và có tác dụng chống béo phì.
Tin tốt là 2 vi khuẩn này cũng hiện diện trong khá nhiều món ăn khác, bao gồm hầu hết các loại dưa, rau củ muối chua phổ biến trong ẩm thực nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Một số thực phẩm lên men khác như sữa chua, phô mai cũng chứa các vi khuẩn có lợi này.