Trẻ tăng trưởng như thế nào?
Sau sinh, chiều dài trung bình của trẻ khoảng 50cm. Trong năm đầu, chiều cao của trẻ tăng 3,5-3,8cm/tháng trong 3 tháng đầu. 3 tháng tiếp theo, mỗi tháng tăng trung bình 2cm. Chiều cao lúc 1 tuổi gấp rưỡi khi sinh.
Sau 1 tuổi, mỗi năm trẻ tăng 5cm (1-10 tuổi). Khi 6 tuổi, trẻ cao 105cm -115cm. Tăng trưởng chiều cao giai đoạn 11-12 tuổi là 7-8cm/năm. 13-15 tuổi tăng 8-9 cm/năm. Sau khi dậy thì hoàn toàn, tốc độ tăng trưởng chậm lại để đạt chiều cao trưởng thành.
Chậm tăng trưởng có thể xảy ra ở các thời kỳ khác nhau (giai đoạn bào thai, nhũ nhi, tiền dậy thì và dậy thì) hoặc suốt cuộc đời của trẻ.
Bố mẹ cần đảm bảo bữa ăn đầy đủ các vitamin và yếu tố vi lượng cho con. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Trẻ có tầm vóc thấp có thể là biểu hiện của suy dinh dưỡng hay do di truyền của cha mẹ hoặc xảy ra mà không có căn nguyên rõ rệt.
Chậm tăng trưởng thường gây ra kết quả là tầm vóc thấp và chậm dậy thì. Hiện nay, chậm tăng trưởng là vấn đề phổ biến trong nhi khoa và được rất nhiều cha mẹ quan tâm.
Trường hợp trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng bằng cách:
- Tăng số bữa ăn
- Cung cấp thức ăn trẻ yêu thích
- Cung cấp các thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao
- Cung cấp đầy đủ các vitamin và yếu tố vi lượng
Thực phẩm nên dùng:
- Sữa và các sản phẩm của sữa có nhiều canxi và một vài chất dinh dưỡng khác. Sữa nên uống 200ml -400ml/ngày nếu trẻ ăn đủ lượng thịt, cá. Nếu chưa ăn đủ thịt cá, lượng sữa nên dùng là 300ml-500ml/ngày. Công thức sữa cao năng lượng rất hữu ích trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng, chất béo và giàu
- Thịt lợn, gà, cá, trứng ăn hằng ngày hoặc thường xuyên vì cung cấp nhiều sắt, kẽm. Trường hợp nếu trẻ không nhận đủ lượng cá, thịt, sữa, chế độ ăn chứa đậu đỗ, gạo hằng ngày để đảm bảo cung cấp đủ protein.
Nếu sữa trong chế độ ăn hằng ngày không đủ nên tìm nguồn thức ăn dồi dào canxi như đủ đủ, bí ngô, đậu xanh, cải bắp, cá.
- Thực phẩm nhiều vitamin A: sữa mẹ, gan, lòng đỏ trứng. Hoa quả như cam, đu đủ, xoài. Rau như cà rốt, bí ngô, cà chua. Các loại rau có màu xanh thẫm.
- Thức ăn nhiều kẽm: gan, lòng đỏ trứng, sò.
- Vitamin C có nhiều trong cam, chanh, xoài, chuối, dưa hấu, cà chua, súp lơ, rau xanh tuy nhiên khi nấu chín thức ăn vitamin C bị mất đi một ít.
- Canxi: có nhiều trong sữa và các chế phẩm của sữa, cá.
- Thực phẩm có nhiều vitamin B: gan, trứng, sữa, rau xanh, đậu đỗ. B6 có nhiều trong thịt lợn, gà, cá, chuối, rau xanh, khoai tây. B9 có nhiều trong cam, chanh, rau xanh.
Thực phẩm hạn chế:
Không cho trẻ dùng các nước uống có giá trị dinh dưỡng thấp như nước ngọt công nghiệp, chè, soda... Nước ép hoa quả, cho trẻ dùng mức độ vừa phải không quá 240 ml/ngày. Nếu không, trẻ quá no và không thể ăn những thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao.
Nguyên tắc cho ăn:
Trực tiếp cho ăn với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và hỗ trợ để trẻ tự ăn với trẻ trên 2 tuổi để trẻ biết có cảm giác no và đói. Nuôi ăn qua sonde dạ dày được chỉ định ở số trẻ không thể đạt được sự phát triển bình thường.
Cho trẻ ăn chậm và kiên nhẫn, khuyến khích trẻ ăn hết suất nhưng không được ép hay nhồi nhét trẻ ăn.
Thức ăn đa dạng và phong phú, mùi vị thơm ngon hấp dẫn trẻ. Chế biến món ăn theo sở thích của trẻ chứ không phải của cha mẹ.
Tránh làm phân tán sự tập trung của trẻ trong bữa ăn bằng các hình thức tivi, quảng cáo, chơi đồ chơi.
Lựa chọn sữa cho trẻ chậm tăng trưởng:
Cần đánh giá bệnh lý dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng của trẻ để lựa chọn các loại sữa phù hợp theo bệnh lý và tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Lựa chọn sữa cho trẻ chậm tăng trưởng nên được các bác sĩ dinh dưỡng tư vấn cho phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của trẻ và bệnh lý trẻ mắc phải để vừa giúp trẻ phát triển tốt hơn về thể chất và tinh thần vừa góp phần trong quá trình điều trị bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng Nga và Bác sĩ Trần Thị Na (Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương)
Theo Vietnamnet